Hai hiện tượng, một nỗi lo

Cập nhật: 30-03-2010 | 00:00:00

Mấy ngày qua dư luận xôn xao với 2 sự kiện:

1. Hàng loạt vụ học sinh (HS) đánh nhau được phanh phui và chuỗi sự kiện được đẩy lên đỉnh điểm khi 1 nam sinh ở Đồng Nai bị bạn đâm chết ngay tại trường học trong tuần qua. Dư luận rất lo ngại trước nạn bạo lực học đường ngày càng diễn ra táo tợn, đạo đức HS có dấu hiệu “tụt dốc”.

2. Phiên tòa xét xử một tài xế cán cô gái đến 3 lần để nạn nhân “chết ngọt”, không phải “sống dở chết dở” trở thành “của nợ” phải chăm sóc suốt đời. Vấn đề rút tỉa qua vụ việc này vẫn liên quan đến đạo đức: Vì đồng tiền mà nhiều tài xế quá xem thường tính mạng con người, thậm chí có một “nguyên tắc bất thành văn” trong một bộ phận tài xế là “thà cán cho chết còn hơn để sống lây lất phải nuôi suốt đời”!

Nếu nhìn kỹ 2 sự kiện trên, ta đều thấy “dáng dấp” của chúng ở đâu đó ngay bên cạnh mình. Trẻ nhỏ còn trong học đường chỉ vì dăm câu nói làm mất lòng nhau đã sẵn sàng đánh, thậm chí đâm bạn đến chết cho dù còn đó những bài học đạo đức chưa ráo mực. Người trưởng thành chỉ vì chút lợi nhuận và để trốn tránh trách nhiệm sẵn sàng tước đi sinh mạng của người khác! Thế mới thấy, sinh mạng của một con người vốn rất thiêng liêng nhưng lại trở nên quá nhỏ nhoi khi nó được đặt trong hoàn cảnh có sự tranh chấp. Một bên có thể đổ lỗi cho sự thiếu kiềm chế, suy nghĩ bồng bột, nhưng bên còn lại thì thật ghê rợn vì đó được xem như “nguyên tắc” xử sự mà nhiều tài xế đang áp dụng.

Ai cũng biết rằng, đạo đức đối với mỗi người phải được rèn luyện và nó sẽ càng “sáng” chỉ khi quá trình rèn luyện ấy diễn ra lâu dài, liên tục. Trong học đường, HS - sinh viên có điều kiện rèn luyện đạo đức qua những bài học, các hoạt động sinh hoạt, sự gương mẫu của thầy cô, bạn bè... nhưng hầu như chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở là chính. Khi lớn lên, việc tu dưỡng đạo đức đối với không ít người đã bị xem nhẹ hoặc bị chi phối vì nỗi lo cơm áo gạo tiền và những tranh đua về quyền lợi khác. Đó là còn chưa kể, môi trường, điều kiện để tu dưỡng đạo đức đối với nhiều người, điển hình như giới tài xế, đã không được quan tâm. Kiến thức sát hạch mà tài xế trải qua hầu như không thấy đề cập đến những phẩm chất đạo đức hay đơn giản hơn là cách xử sự văn minh của tài xế, trong khi nghề của tài xế là nghề liên quan trực tiếp đến tính mạng của nhiều người. Có bao nhiêu lần trong tháng và bao nhiêu nơi tài xế được chủ xe sinh hoạt về đạo đức, lương tâm của người cầm lái? Câu trả lời hẳn là không vui chút nào. Đã vậy, khi ôm vô lăng, tài xế còn được “lệnh” của chủ xe là phải tìm mọi cách “đạp” (ga) thật mạnh để tăng tốc, bảo đảm đủ số chuyến quy định trong ngày, nếu không sẽ bị phạt trừ lương, đuổi việc thì làm gì còn tâm trí nghĩ đến vấn đề đạo đức?

Tất nhiên, xã hội vẫn còn rất nhiều hình ảnh đẹp: Nhiều HS đã dũng cảm hy sinh cứu bạn khỏi chết đuối, nhiều bác tài tự nguyện trả lại tiền, vàng cho khách hoặc không nề hà chở người bị tai nạn đi cấp cứu... Họ không mong cứu người, giúp người để được đền ơn mà xem đó như lối xử sự bình thường của một công dân. Đạo đức đâu phải ở đâu xa, nó thể hiện qua những hành động nhân nghĩa ngay trong đời thường. Tu dưỡng đạo đức trước hết là làm tốt những phần việc nhỏ nhặt, đời thường nhưng nhân bản ấy, cho dù còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã là người trưởng thành vẫn cần phải học suốt đời.

L.M.TÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên