Hàng Việt tự tin đi vào cuộc sống

Cập nhật: 08-11-2024 | 08:54:44

Không cần đến con số thống kê mà chỉ quan sát bằng mắt cũng có thể dễ dàng nhận thấy hàng Việt đang chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống…, tỷ lệ hàng Việt luôn áp đảo hàng ngoại nhập được trưng bày. Như vậy, sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã thực sự lan tỏa và tự tin đi vào cuộc sống. Hàng Việt được người tiêu dùng đón nhận nhờ chất lượng ngày càng nâng cao và ổn định, mẫu mã bao bì được cải thiện và đặc biệt là giá cả phù hợp với thu nhập của người Việt.

Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố mới đây, cho thấy tỷ lệ người Việt Nam tin dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%; sản phẩm của doanh nghiệp Việt đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua đạt 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47%, giá bán cạnh tranh 39%. Trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đặc biệt, để nắm bắt cơ hội hàng Việt mang lại, từ đầu năm 2024 nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần.

Trước đó vào tháng 9-2022, Viện Dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã triển khai thăm dò dư luận xã hội về việc thực hiện cuộc vận động này để đánh giá sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/ TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Kết quả cho thấy, có 94% người được hỏi cho rằng cuộc vận động đã ít nhiều tác động làm thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam; 80% cho rằng công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động đã làm tốt các nhiệm vụ khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Cuộc vận động còn góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất kinh doanh; cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt cả trong và ngoài nước.

Cuộc thăm dò dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương còn cho thấy thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu Việt Nam đã được đẩy mạnh; thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại ngày càng được phát triển mở rộng. Cùng với đó, thương mại điện tử phát triển, kết hợp với các kênh thương mại truyền thống đã góp phần lan tỏa hàng Việt rộng khắp, từ đó tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện cuộc vận động.

Từ những con số thống kê nêu trên cho thấy hàng Việt hiện đã có chỗ đứng trên thị trường và cả trong lòng người Việt. Tuy nhiên, để người Việt tiếp tục tin dùng hàng Việt, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=85
Quay lên trên