Kỳ 2: Lan tỏa những mô hình hiệu quả
Chung tay kiến tạo, bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Những mô hình, cách làm hiệu quả là nguồn cảm hứng cho mỗi cá nhân, tập thể trong việc chung tay BVMT.
Tuyên truyền sử dụng ẩm thực xanh cũng nhằm mục đích lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Nhân rộng cách làm hay
Có dịp đến với nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị em phụ nữ cần mẫn, miệt mài thu gom phế liệu, biến rác thải thành nguồn vốn quý báu. Mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ với các tên gọi, như: “Thu gom phế liệu gây quỹ tình thương”, “Ngôi nhà xanh”, “Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ thu gom phế liệu” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, góp phần BVMT và hỗ trợ đời sống cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Đến ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên, tôi được bà Ngô Thị Minh Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Hưng, giới thiệu về “CLB phụ nữ thu gom phế liệu, biến rác thải thành nguồn vốn” do bà làm chủ nhiệm. CLB thành lập năm 2018 với 12 hội viên của ấp Bình Hưng, nay đã thu hút 34 hội viên đến từ 3 ấp (Bình Hưng, Bình Chữ và Điều Hòa). Bà Ngô Thị Minh Lan cho biết: “Hội viên phụ nữ thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, thu nhặt rác thải phế liệu hàng ngày gom lại bán. Nguồn thu từ bán phế liệu được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động chung của CLB, giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn, cụ thể cho vay không lấy lãi, cuối năm mua quà thăm hỏi, động viên... Mỗi năm CLB tích lũy được trên dưới 2 triệu đồng”.
“Thu gom phế liệu bán được bao nhiêu tiền không phải quá quan trọng, chủ yếu thông qua hoạt động này tác động lên ý thức người dân trong việc BVMT. Nhiều người dân thấy lợi ích và ý nghĩa của hoạt động sẵn lòng thu gom phế liệu đóng góp cho CLB. Mô hình là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí nghị lực và lòng nhân ái của người phụ nữ”, bà Ngô Thị Minh Lan cho biết thêm.
Khuyến khích sáng kiến, sáng tạo, tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường hướng đến tính bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Trong ảnh: Đại diện Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thuyết trình tại cuộc thi “Sáng kiến mô hình phòng chống rác thải nhựa” tỉnh Bình Dương năm 2024
Về với khu phố Tân Phú 1, phường Tân Bình, TP.Dĩ An, thấy rõ sự thay đổi bộ mặt đô thị. Những con đường trở nên sạch sẽ, thông thoáng hơn, trên vỉa hè hay các khu đất trống giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi. Ông Nguyễn Văn Yêm, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, cho biết: “Phường có các tuyến đường chính, như: Mỹ Phước - Tân Vạn, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, An Nhơn, Cây Da, 42 đường nội bộ và nhiều tuyến hẻm. Địa bàn rộng, dân số sinh sống đông, phát triển thương mại, dịch vụ khá mạnh, dẫn đến lượng rác thải nhiều. Với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, đặc biệt việc thành lập tổ môi trường thường xuyên kiểm tra, xử lý, qua đó góp phần làm giảm thiểu đáng kể rác thải phát sinh”.
Khuyến khích sáng tạo, đổi mới
Những cuộc thi về sáng kiến BVMT đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy hành động và hỗ trợ định hướng chính sách. Đây là những hoạt động thiết thực góp phần giải quyết vấn đề môi trường và xây dựng một tương lai bền vững cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Cuộc thi “Sáng kiến mô hình phòng chống rác thải nhựa” tỉnh Bình Dương năm 2024 do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm mua sắm Aeon Mall Bình Dương Canary tổ chức là một trong những hoạt đông nổi bật, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia với nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo, hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Các mô hình hay được lan tỏa rộng rãi sẽ tạo hiệu ứng cao, khuyến khích nhiều người cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ thu gom phế liệu, biến rác thải thành nguồn vốn” tại xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) duy trì từ năm 2018 đến nay
Với sáng kiến “Máy kéo nhựa in 3D, máy in 3D, CLB sáng tạo trẻ phường Lái Thiêu (TP.Thuận An - đạt giải nhất) đã đưa ra được giải pháp giúp tận dụng nguồn rác thải nhựa. Anh Nguyễn Cao Kỳ Anh, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Hiệu quả của sáng kiến này là tái chế chai nhựa, nhựa in lỗi thành sản phẩm có thể tái sử dụng cho máy in 3D. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu tái chế được nhiều loại nhựa khác nhau như PET, PETG, PLA, ABS. Dùng để thiết kế các linh kiện sản phẩm bằng nhựa, từ đó ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học và đời sống như làm quà tặng, mô hình nghiên cứu, vật dụng...”.
Sáng kiến về “Giải pháp tiết kiệm chi phí xử lý bao chứa bùn thải tại các hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp vệ sinh, tận thu tái sử dụng bao chứa bùn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, BVMT” của Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa giúp công ty mỗi năm hạn chế được 7,5 tấn chất thải nhựa phát thải ra môi trường. Theo anh Lê Quốc Duy, chủ nhiệm đề tài, giải pháp này có thể áp dụng rộng rãi trong tất cả các đối tượng từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trong xã hội đến các doanh nghiệp sản xuất vì dễ áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giải pháp này, đơn vị đã đạt giải nhì trong cuộc thi.
Theo ông Nguyễn Thế Tùng Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục BVMT, cuộc thi là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa thông điệp bảo vệ hành tinh xanh đến mọi người. Các giải pháp đoạt giải được triển khai thực tế, mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và BVMT. Ngoài ra, các chương trình phát động thi đua mô hình tại các địa phương, hội đoàn thể cũng góp phần nâng cao ý thức BVMT, khuyến khích tái chế sáng tạo, lan tỏa thông điệp tích cực và tăng cường gắn kết cộng đồng...
TIẾN HẠNH