Hãy nói không với tăng giá

Thứ hai, ngày 03/07/2023

(BDO) Tin vui đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội là được tăng lương cơ sở kể từ ngày 1-7-2023. Mục đích của việc tăng lương cơ sở bên cạnh bù đắp trượt giá còn để “tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để họ có thể sống được bằng lương”. Tuy nhiên, đi cùng với tin vui là nỗi lo tăng giá đã trở thành vấn nạn, ám ảnh người hưởng lương, phụ cấp qua mỗi kỳ tăng lương cơ sở!

Không phải đến bây giờ mà từ lâu giá tăng theo lương đã trở thành vấn nạn. Quan sát từ thị trường cho thấy hễ có thông tin tăng lương cơ sở là tất cả các loại hàng hóa trên thị trường đều đồng loạt tăng giá. Tình trạng “té nước theo mưa” không chỉ diễn ra một lần mà cứ lặp đi, lặp lại qua mỗi kỳ tăng lương cơ sở. Do vậy, hầu hết người hưởng lương, phụ cấp không mấy vui khi được tăng lương cơ sở. Bởi theo họ, tăng lương cơ sở mà không giữ được giá thì mục đích của việc tăng lương nhằm “tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để họ có thể sống được bằng lương” sẽ không còn ý nghĩa.

Việc tăng giá hàng hóa nếu hợp lý sẽ thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, còn ngược lại sẽ khiến thị trường méo mó, dẫn đến khó kiểm soát. Xét ở góc độ người buôn bán, với tâm lý kiếm thêm nên cứ nghe thông tin tăng lương là tăng giá, bất kể đó là loại hàng hóa gì, cấu thành đầu vào giá cả có tăng hay không! Đơn cử với người mua bán rau, giá cả đầu vào, vận chuyển không tăng, nhưng giá bán lại tăng khi có thông tin tăng lương cơ sở. Đối với các cửa hàng ăn uống, việc tăng giá khi có thông tin tăng lương cơ sở càng khó kiểm soát nếu không có sự kiểm tra thường xuyên để đối chiếu nguyên nhân tăng giá. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giữ bình ổn giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ ngay từ cơ sở, không để tiểu thương tự ý tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ cả trước, trong và sau thời điểm tăng lương cơ sở.

Để giải quyết vấn nạn lương chưa tăng giá đã tăng, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp như kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết dứt điểm vấn nạn giá tăng theo lương trong những kỳ tăng lương cơ sở trước đây. Lần này, để giữ giá hàng hóa trước, trong và sau thời điểm tăng lương cơ sở, bên cạnh kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt về giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ vào cuộc giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Với các giải pháp đã được Chính phủ triển khai, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nếu ngành chức năng các địa phương cùng đồng loạt vào cuộc kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; tăng cường thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chắc chắn tiểu thương sẽ không có cơ hội để “té nước theo mưa”.

 LÊ QUANG