Sáng thứ bảy, săn sóc con bị bệnh trong bệnh viện. Lòng đang lo lắng, rối bời chợt nghe ấm áp, bình an phần nào khi chứng kiến những nghĩa cử, những lời nói của mọi người ở đây. Hình như vào đây thì dù lạ hay quen, mọi người cũng trở nên thân mật, gắn bó với nhau từ những lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ nhau từng trái cam, trái quýt, từng ly nước... khi phải chuyển phòng thì lại bịn rịn, quyến luyến hứa sẽ “chạy qua, chạy lại” để hỏi thăm nhau. Có lẽ vì chung cảnh ngộ nên mọi người dễ thông cảm với nhau.
Thế mới thấy dù trong hoàn cảnh nào thì những tình cảm chân thành, những sẻ chia, động viên, những lời nói yêu thương sẽ làm mọi người xích lại gần nhau, xóa đi mọi khoảng cách, mọi giận hờn, thậm chí hận thù, gút mắt, xích mích nếu có... Vì vậy mà mới đây, Đoàn trường một trường đại học ở TP.HCM (Saigon Tech) đã mở một cuộc vận động đầy ý nghĩa có cái tên là “Nói lời yêu thương”. Cuộc vận động nhằm giáo dục nhân cách cho những người trẻ trong nhà trường và thông qua các em nhà trường sẽ chuyển những thông điệp về những hành động, lời nói tử tế ra cộng đồng, hướng sự dung hòa giữa “cái tôi” của cá nhân và “cái ta” của mọi người đối với những người trẻ ...
Thực hiện cuộc vận động này, sinh viên sẽ ký cam kết cá nhân hoặc tập thể là sẽ “Nói lời yêu thương” với cộng đồng thông qua các hành động như tự giác thực hiện cư xử văn minh với mọi người, luôn sẵn sàng nói câu “cám ơn”, hoặc “xin lỗi”, “làm ơn” với nụ cười trên môi, kiềm chế bản thân mỗi khi có xung đột, không bao giờ làm tổn thương người khác bằng lời nói mang ý nghĩa xấu. Sau đó, các em sẽ tham gia thi viết “Khi ta nói lời yêu thương”, kể về những kỷ niệm đẹp hoặc xấu của mình, về hành động và lời nói của mình hoặc người xung quanh; cuối cùng là tham gia tọa đàm về nội dung “Nói lời yêu thương và cư xử văn hóa, tử tế với người xung quanh trong bối cảnh bạo lực tăng cao”.
Có thể nói trong những năm gần đây, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển khoa học - công nghệ... thì chúng ta cũng gặp không ít phiền toái khi mở cửa hội nhập với quốc tế đó là vấn đề an ninh trật tự xã hội, bạo lực học đường, bạo lực đường phố... đang có chiều hướng gia tăng: va quẹt nhau trên đường phố, vô tình nhìn nhau trong quán cà phê, tranh nhau hát karaoke... cũng có thể dẫn đến ẩu đả, đâm chém nhau, nhẹ là dùng những từ ngữ thiếu văn hóa để “tặng nhau”. Những lời “cho tôi xin lỗi”, “cám ơn bạn”, “tôi đã sai”... hình như ngày càng hiếm được sử dụng không chỉ trong giới trẻ mà cả trong giới trung niên, những người trong gia đình với nhau... Do đó đã có những vụ gia đình xào xáo, anh chị em, bà con trong dòng họ, hàng xóm, đồng nghiệp... đụng chạm, xích mích... đến nỗi phải nhờ pháp luật giải quyết, để rồi sau đó mọi người không nhìn mặt nhau chỉ vì những chuyện không đáng nhưng do cách hành xử giữa những người trong cuộc thiếu tế nhị làm tổn thương lẫn nhau...
Do vậy thiết nghĩ, cuộc vận động mang nhiều ý nghĩa của trường đại học nói trên cần được hưởng ứng rộng rãi vì khi chúng ta biết “nói lời yêu thương” thì mọi hiềm khích, va chạm... trong gia đình, đối với những người chung quanh, bạn đồng nghiệp... sẽ dễ dàng xóa đi. Và khi mọi người biết thông cảm, sẻ chia, nói với nhau bằng những lời nói nhẹ nhàng, nhân ái thì những cảnh bạo lực sẽ bớt đi, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và phát triển hơn, con người ngày càng gần gũi và văn minh hơn. Hãy nói lời yêu thương - không có lý do gì để chúng ta bảo là khó quá!
VÕ HƯƠNG