Em thích làm chú bộ đội
Bước một hai chân bước một hai
Em thích làm chú bộ đội
Bước một hai vác súng trên vai
Một hai một hai một hai một hai.
Bài hát thiếu nhi cất vang trong ngày hội giao quân, gợi nhớ về một thời trai trẻ. Những tiếng bước chân một hai rầm rập, nghiêm trang. Không chỉ là bài hát “Làm chú bộ đội” của tác giả Hoàng Long dành riêng cho trẻ mà đó còn thể hiện một sự yêu mến, tự hào và thích được làm bộ đội.
Từ lâu, anh bộ đội Cụ Hồ đã gắn chặt vào tình cảm, tâm trí của mọi tầng lớp nhân dân với những hình ảnh thật đẹp, thật cao quý. Trong mắt họ, ngoài nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước, bộ đội còn gắn liền với nhân dân như cá với nước. Họ giúp dân trong những lúc hoạn nạn, khó khăn. Những hình ảnh chú bộ đội chèo chống giúp dân vượt qua lũ lụt. Hình ảnh anh bộ đội gùi gạo hàng chục cây số lên tận những vùng cao giúp đồng bào bị thiếu đói do bị lũ cuốn tàn phá đường sá, giao thương khó khăn... Đó là những hình ảnh cao đẹp về anh bộ đội. Vì thế, cũng thật tự hào khi được trở thành người lính. Không chỉ thế, trong thời gian quân ngũ, thanh niên còn được rèn luyện về tính kỷ luật, ngăn nắp và tự lập. Không phải ngẫu nhiên mà những khóa học kỳ quân đội xuất hiện trong dịp hè nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường quân ngũ...
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 9 có nhiều sự kiện lịch sử này, tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông đi trước, hôm qua 8-9, 850 thanh niên ưu tú của huyện Tân Uyên, TX.TDM và TX.Thuận An đã náo nức lên đường làm nghĩa vụ của người thanh niên.
Để ngày giao quân thực sự là ngày hội của toàn dân, trước đó các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Đoàn TNCSHCM đã có những bước chuẩn bị chu đáo và những hoạt động thiết thực tạo không khí vui tươi, phấn khởi và đầm ấm nghĩa tình để những thanh niên trúng tuyển an tâm lên đường nhập ngũ: hội trại giao lưu văn nghệ, nghe các cựu chiến binh nói chuyện truyền thống, thăm hỏi, động viên các gia đình có con em lên đường nhập ngũ, hàng năm tổ chức các đoàn đi thăm hỏi và tặng quà các chiến sĩ đang tại ngũ, thăm hỏi các gia đình quân nhân gặp khó khăn, viết thư thăm hỏi tân binh... Các hoạt động, việc làm nghĩa tình và đầy sáng tạo này đã góp phần động viên thanh niên trúng tuyển yên tâm lên đường nhập ngũ và làm vui lòng gia đình của họ ở hậu phương. Bên cạnh đó, tại các đơn vị nhận quân doanh trại, bãi tập cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón tân binh đi vào luyện tập.
Dù chiến tranh đã qua đi mấy mươi năm, đất nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhưng đất nước có bình yên thì nhà nhà mới ấm no, hạnh phúc nên trách nhiệm của lực lượng đoàn viên thanh niên trong giai đoạn này là phải không ngừng học tập, rèn luyện và lao động sản xuất để góp phần giữ vững sự bình yên, sự ổn định của Tổ quốc cũng như xây dựng, phát triển kinh tế tỉnh nhà. Gác lại một thời gian những dự định trong tương lai, tạm biệt gia đình, tạm biệt mái trường, cơ quan, bạn bè và những người thương yêu, họ lên đường nhập ngũ với những trái tim tràn đầy sức trẻ. Môi trường quân đội sẽ giúp họ “chân cứng đá mềm”, sẽ rèn luyện cho họ sớm trưởng thành, tiếp bước theo tiền nhân làm tốt nhiệm vụ của người thanh niên, biết sống vì mọi người, vì cộng đồng xã hội, giữ gìn Tổ quốc mến yêu.
Ngày hội giao quân rộn rã tiếng cười, niềm hân hoan nhưng cũng không thiếu sự bùi ngùi nhung nhớ, không thiếu những giọt nước mắt đưa tiễn của những người đang yêu nhau hay của những bà mẹ lúc tiễn đưa cậu con trai yêu quý lần đầu tiên xa nhà nhiều ngày để lên đường làm nghĩa vụ của người trai... nhưng với sự chăm lo, động viên chu đáo, sự tin tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự kỳ vọng của mọi người chắc hẳn nỗi buồn của những ngày xa vắng sẽ sớm phôi pha, thay vào đó là sự hứa hẹn ngày trở về với những niềm vui bất tận. Nhìn những đoàn xe lăn bánh, nhìn những anh bộ đội với quân phục mới toanh vẫy tay chào người ở lại trong tiếng nhạc hào hùng “...vì non nước hiến dâng đời con, vì quê hương hiến dâng đời con, vì quê hương mến yêu Việt Nam”, tôi nghe cảm xúc dâng trào và muốn thay lời họ để nói rằng: Hãy yên lòng mẹ ơi!
Dân Thường