HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương - Bài 2

Thứ ba, ngày 26/04/2016

(BDO) Bài 2: Ông Nguyễn Ngọc Chấn: HĐND tỉnh ngày càng phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Ông Nguyễn Ngọc Chấn là đại biểu HĐND tỉnh từ khóa II, nhiệm kỳ 1981-1985. Khi ấy ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông cho biết, bước sang khóa II, hoạt động của HĐND ngày càng rõ nét, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Chấn mong muốn cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân Ảnh: T.THẢO

Ông Nguyễn Ngọc Chấn là một trong những số ít cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống đến hôm nay. Ông Chấn quê ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ tháng 4-1945 đến 25-8-1945, khi ấy ông mới 14 tuổi đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ canh gác thông báo tình hình và ghi chép tài liệu. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm nhân viên văn phòng của Ủy ban Kháng chiến huyện Tịnh Biên. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là viết, in truyền đơn; canh gác, thông báo tin và vận động bạn bè tham gia kháng chiến.

Trong giai đoạn từ năm 1947 đến 1949, ông trải qua nhiều vị trí công tác như thư ký văn phòng Ủy ban Kháng chiến huyện Tân Châu, An Giang; thư ký văn phòng Ty Giáo dục tỉnh Trà Vinh. Từ tháng 2-1950, ông được chuyển về làm cán bộ văn phòng Xứ ủy Nam kỳ, sau Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng được đổi tên thành Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 8-1951, ông lại được điều sang làm Tổ trưởng phát hành Nhà in Trần Phú Nam bộ, rồi làm Phó Quản đốc Cơ quan phát hành Nhà xuất bản Nhân dân miền Nam. Đặc biệt, sau Hiệp định Giơnevơ, ông được đồng chí Trần Bạch Đằng giao nhiệm vụ làm chữ ký của các xã trưởng để ký vào giấy lát-xê-pát-xê (tức giấy thông hành) cho cán bộ ở lại miền Nam hoạt động. Đến tháng 1-1955, ông tập kết ra Bắc. Thời gian ở miền Bắc, ông được đưa đi học, rồi kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở Bộ Nội thương. Đến tháng 12- 1965, trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, ông được tập luyện rồi đưa về lại miền Nam. Thời gian này, ông nhận nhiệm vụ công tác ở Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, sau đó về làm Trưởng ban Kinh tài tỉnh Thủ Dầu Một, rồi Trưởng ban Kế hoạch Thủ Dầu Một. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Ông là đại biểu HĐND tỉnh khóa II và được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 26-6-1981.

Ông Chấn cho biết, hoạt động của HĐND tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 1981-1985 có nhiều đổi mới. Bộ máy HĐND tỉnh hoạt động hiệu quả hơn, chế độ sinh hoạt được giữ vững, đúng kỳ, thông qua nhiều chính sách quan trọng về kinh tế - xã hội, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển. Lúc này, HĐND tỉnh đã có 5 ban chuyên trách gồm: Ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách; Ban Văn hóa - Xã hội và Đời sống; Ban Pháp chế; Ban Dân tộc và Ban Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng. Tuy nhiên, do một số ban mới thành lập và chưa có kinh nghiệm hoạt động nên chưa làm tốt và chưa làm đúng chức năng của ban.

Giai đoạn này, Sông Bé bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ 3 trong tình hình khó khăn chung của đất nước. Đó là tình trạng thu nhập quốc dân hàng năm không đủ tiêu dùng; hàng hóa cung cấp cho nhân dân và cán bộ công nhân viên chức rất thiếu; tài chính không ổn định; lạm phát, giá cả trên thị trường tự do không ngừng tăng lên, có lúc tăng đột biến. Tất cả những điều đó tác động lớn đến đời sống người dân. Trong tình hình chung đó, hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này là một quá trình phấn đấu trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp để đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển. Đồng thời, về tích lũy và khả năng tái sản xuất mở rộng, chúng ta chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Trong khi đó, muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, muốn thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ thì phải có tích lũy, phải tái sản xuất mở rộng. Vì vậy, trong giai đoạn này, hoạt động của HĐND tỉnh là cả một quá trình phấn đấu trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp.

Về mặt kinh tế, HĐND tỉnh đã xác định được công tác kế hoạch và ngân sách Nhà nước ở địa phương là công tác thường xuyên; xác định trách nhiệm quyết định kế hoạch và ngân sách của địa phương, phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch và quyết toán ngân sách hàng năm. Các quyết định về các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách hàng năm đều được nghiên cứu kỹ, được nhất trí phê chuẩn đã trở thành mục tiêu hành động của các cấp, các ngành và động viên được nhân dân trong tỉnh ra sức thực hiện có kết quả theo hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. Với những kết quả đạt được trên mặt trận kinh tế đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Về văn hóa - xã hội đã dần dần được cải thiện. Các mặt giáo dục, văn hóa, văn nghệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân... được quan tâm nhiều hơn. Về an ninh và quốc phòng cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các mặt an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng, đặc biệt là qua các đợt củng cố và xây dựng lực lượng công an nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ và chính sách địa phương đối với các lực lượng vũ trang nhân dân. Các đợt vận động thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ Tổ quốc được phát động tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Chấn cho biết, càng về sau hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng. Vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND các cấp ngày càng rõ nét. Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND giữ vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND phát huy tốt vai trò trong việc điều hòa, phối hợp, nhất là trong các hoạt động thẩm tra, giám sát. Các ban HĐND nêu cao trách nhiệm của mình trong công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, chủ động rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật để giúp đại biểu có thêm thông tin, định hướng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND và các ban HĐND thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Các đại biểu HĐND tăng cường đi thực tế tại địa phương, theo dõi giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND, việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu sớm các tài liệu, văn bản trình tại các kỳ họp HĐND để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng; tích cực tham gia các hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định...

Trao đổi với phóng viên trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Ngọc Chấn mong muốn rằng, cử tri trong tỉnh sẽ sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tại các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại Trung ương và địa phương. (Còn tiếp)

 

 THU THẢO

 

 

Từ khóa: