Hiểm họa mùa khô nắng

Cập nhật: 25-03-2010 | 00:00:00

Năm 2009, Bình Dương đã xảy ra 46 vụ cháy làm bỏng 3 người, thiệt hại tài sản gần 85 tỷ đồng; chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 30 vụ cháy, tử vong 7 người và 3 bị thương, chưa tính đến trị giá tài sản, nhà xưởng tổn thất nhiều tỷ đồng. Vào mùa khô nóng thì hỏa hoạn quả là mối hiểm họa lớn, rất cần mọi người nâng cao nhận thức cảnh giác, ngăn ngừa; bởi “phòng cháy hơn chữa cháy”.

Chỉ sau một mồi lửa, bỗng dưng phút chốc nhiều tài sản giá trị đã trở thành tro bụi, gia chủ có khi lâm vào cảnh trắng tay, mất sạch cơ nghiệp của cả một đời nhọc nhằn tích lũy. Cơn hung hãn của lửa đâu có chừa tránh bất kỳ ai, bất cứ nơi nào! Cháy có thể bắt gặp từ đồi núi xuống đồng bằng, từ vườn cao su đến nhà xưởng, chợ búa, khu dân cư, nhà trọ, kho tàng...; đôi khi chỉ vì sơ suất nhỏ cũng nhen nhóm lửa bùng lên cháy thành hiểm họa khôn lường.

Thế mà không ít cơ sở sản xuất, khu dân cư, chợ vẫn còn lơ là, chủ quan với cháy; tình trạng đường dây dẫn điện, dây cáp chằng chịt, câu móc lung tung, cuộn vào nhau “rối như canh hẹ” dễ chạm chập gây hỏa hoạn. Vẫn còn một số mặt bằng nhà xưởng chật hẹp, bày biện ngổn ngang, công cụ chữa cháy sơ sài, trang bị chiếu lệ, qua loa... khi xảy ra sự cố thì nghẽn nước, bình bọt hư hỏng, bít lối ra vào thoát hiểm... càng thêm hoảng loạn thì nguy lại càng nguy!

“Thủy, hỏa, đạo, tặc” đều là tai họa, cần được chủ động ngăn ngừa, phòng tránh hiệu quả. Các doanh nghiệp, từng hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra lại hệ thống cung cấp điện, nước, công cụ chữa cháy, kho hàng hóa, khu vực nguyên, nhiên vật liệu... tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ để kịp thời chấn chỉnh sai sót, tránh hỏng hóc bất thường, đối phó nhanh khi xảy ra sự cố; đặc biệt cần chú trọng công tác tuyên truyền, mọi người luôn ý thức đề phòng hỏa hoạn, tuân thủ nghiêm các quy định an toàn về phòng, chữa cháy ở từ cơ sở.

Mọi hoạt động phòng cháy, chữa cháy trước tiên phải được giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ nhằm ngăn chặn cháy lớn, lây lan; do đó rất cần có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy ở các doanh nghiệp, chợ và các cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời chấn chỉnh thiếu sót; đồng thời tổ chức định kỳ huấn luyện kỹ thuật chữa cháy cho đội ngũ ở cơ sở, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra sự cố.

Hỏa hoạn là hiểm họa của mọi người, mọi nhà nhưng nếu được chủ động phòng ngừa thì có thể kiềm chế nguy cơ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; vì vậy phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, từng bước đưa Luật Phòng cháy chữa cháy đi vào cuộc sống.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên