Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cập nhật: 11-11-2016 | 09:04:40

Quốc hội vừa tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trước khi dự án Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời, Chính phủ và các bộ ngành trung ương đã có cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này lại được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất và đa số quy định áp dụng chung cho tất cả các DN nên ít nhiều việc hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện, chưa tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của DNNVV. Do vậy, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết.

 Theo thống kê, DNNVV hiện chiếm khoảng 97% tổng số DN, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng sốthu ngân sách, chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tếquốc gia hàng năm và tạo ra 51% tổng việc làm của cả nước. Tại Bình Dương, DNNVV đóng góp đáng kể vào các lĩnh vực tổng đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội… Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2015, các DNNVV của tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 290.000 lao động, đóng góp khoảng 36% cho ngân sách và khoảng 25% vào GDP của tỉnh.

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, bởi đây là một dự án luật quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Nhiều đại biểu cho rằng, hầu hết DN Việt Nam hiện nay là các DN nhỏ và siêu nhỏ, năng lực hạn chế, rất cần sự hỗ trợ để “lớn lên”, từ đó cải thiện quy mô DN Việt Nam. DNNVV đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Nếu được hỗ trợ toàn diện như dự án Luật Hỗ trợ DNNVV đề xuất; cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, DNNVV sẽ từng bước nâng cao nâng năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp cho ngân sách và tạo ra việc làm cho xã hội; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến đại biểu băn khoăn trong các văn bản pháp luật cũng như nghị quyết của Đảng đều quy định cạnh tranh bình đẳng và tạo cơ chế thuận lợi để các DN cùng vươn lên, tránh ỷ lại cũng như tránh sự thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do vậy, cách hỗ trợ cho DNVVN là tạo cơ chế, tạo môi trường thuận lợi để DNVVN phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các hỗ trợ mang tính trực tiếp hoặc hỗ trợ tài chính. Việc hỗ trợ DNVVN nên mang tính khuyến khích ban đầu, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng DN “không chịu lớn”, chỉ thích nhỏ để được hỗ trợ, còn DN lớn thì xé nhỏ để nhận hỗ trợ… Những băn khoăn đó của các đại biểu là có cơ sở và chắc chắn sẽ được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trước khi luật được ban hành.

Mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng mong mỏi của cộng đồng DN và người dân là Quốc hội sớm ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Một khi luật ra đời và đi vào cuộc sống sẽ là “điểm tựa” giúp DNVVN đủsức “lớn lên” để vững vàng bước ra “biển lớn”.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên