Bài 3: Chiến khu Vĩnh Lợi - Biểu tượng của lòng kiên trung và tình yêu nước
Tháng 4 về, mang theo cái nắng như đổ lửa kèm những cơn mưa rào bất chợt, cũng là thời điểm chúng tôi trở về thăm Chiến khu Vĩnh Lợi. Trên mảnh đất này, từng tấc đất, từng hàng cây đều mang theo câu chuyện về những năm tháng hào hùng, nơi đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung và tình yêu nước được hun đúc qua nhiều thế hệ...
Nơi ghi dấu lịch sử
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chiến khu Vĩnh Lợi là căn cứ của huyện Châu Thành (thuộc tổng Bình Điền, tỉnh Thủ Dầu Một xưa), nay thuộc khu phố 3, phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên. Trong kháng chiến, người dân Chiến khu Vĩnh Lợi đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, ác liệt của chiến trường, vừa xây dựng vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, giữ vững và phát huy vai trò là căn cứ hậu cần, bàn đạp vững chắc trong kháng chiến với phong trào cách mạng của địa phương, góp phần vào thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến khu Vĩnh Lợi là biểu tượng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện Châu Thành và tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương.

Hôm nay, Chiến khu Vĩnh Lợi không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là một điểm về nguồn lý tưởng, khơi dậy niềm tự hào và ý chí cách mạng trong mỗi người con đất Việt. Trong chuyến hành trình về nguồn, những cựu chiến binh (CCB), những người con của đất nước có dịp gặp lại đồng đội, ôn lại những kỷ niệm gian khổ nhưng đầy nghĩa tình. Những câu chuyện về những trận đánh ác liệt, về tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, về những hy sinh thầm lặng... được kể lại một cách chân thực và lay động trái tim của mỗi người nghe. Chiến khu Vĩnh Lợi cũng đã trở thành một “địa chỉ đỏ” quen thuộc, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Những buổi sinh hoạt truyền thống, những hoạt động giáo dục lịch sử được tổ chức thường xuyên tại đây đã góp phần lan tỏa những giá trị cách mạng sâu sắc, bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ tương lai.
Là người từng trực tiếp tham gia vào trận đánh ác liệt tại Chiến khu Vĩnh Lợi năm xưa, CCB Nguyễn Chí Công, ở khu phố 4, phường Vĩnh Tân ngày nay là một tấm gương luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ noi theo và tiếp bước. Những năm qua, hình ảnh CCB Nguyễn Chí Công đã trở nên thân thuộc đối với học sinh, thế hệ trẻ trên địa bàn phường Vĩnh Tân.
Từ sự phối hợp chặt chẽ của Hội CCB phường Vĩnh Tân và các hội, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên và Ban Chỉ huy Quân sự phường, chương trình phối hợp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương được tổ chức rất hiệu quả. Tại các buổi nói chuyện truyền thống cho thanh niên, CCB Nguyễn Chí Công đã giúp các thanh niên hiểu rõ hơn truyền thống hào hùng của dân tộc; bồi đắp, giáo dục cho thanh niên về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử của dân tộc nói chung, của tỉnh Bình Dương, TP.Tân Uyên và phường Vĩnh Tân nói riêng.
Theo CCB Nguyễn Chí Công, nói chuyện truyền thống với các bạn trẻ, ông như được sống lại với quá khứ. Giáo dục cách mạng giúp thế hệ trẻ thêm hiểu biết sâu sắc về lịch sử đấu tranh gian khổ, anh dũng và vinh quang của Đảng, của dân tộc và của Quân đội Nhân dân Việt Nam; giúp thế hệ trẻ thêm tự hào, trân trọng quá khứ, nhận rõ giá trị của cuộc sống hiện tại, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, có trách nhiệm với xã hội, với tương lai dân tộc và kế tục xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của cha anh đi trước.
Đổi thay trên vùng đất anh hùng
Trên vùng đất chiến khu năm nào, Vĩnh Tân hôm nay đã “thay da đổi thịt”. Từ nơi khô cằn sỏi đá, dân cư thưa thớt, với sự đoàn kết một lòng, Vĩnh Tân nay đã trở thành một trong những phường phát triển công nghiệp - dịch vụ quan trọng của TP.Tân Uyên. Sự thay đổi diệu kỳ ấy càng làm nổi bật lên sức sống mãnh liệt, sự hồi sinh kỳ diệu của vùng đất Vĩnh Tân sau những năm tháng chiến tranh. Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tiếng bom đạn nay đã lùi xa, thay bằng tiếng máy rộn ràng từ những công ty, xí nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP II hiện đại, kiểu mẫu. Trên địa bàn phường những con đường rộng thênh thang được thảm nhựa, những tuyến đường hẻm được bê tông, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành vào năm 1946, là một vùng đất cao ráo, được xây dựng giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cầy Bộng, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi hai con suối là suối Cái (hay gọi là suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng Đông Nam; hướng Đông - Tây có hai trục lộ giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa. Căn cứ Vĩnh Lợi là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của xã, huyện và tỉnh, nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, đã hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp... |
Những đổi thay của Vĩnh Tân toát lên diện mạo khang trang, văn minh của một đô thị mới. Phường Vĩnh Tân giờ đây là điểm đến của các nhà đầu tư và đông đảo nhân dân từ khắp mọi miền đất nước, cùng với nhân dân địa phương phát triển kinh tế, hăng say lao động sản xuất. Đó là tiếng gọi của tương lai, thúc đẩy quê hương tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, địa phương đang phát triển sôi động thương mại, dịch vụ với hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đời sống mới của người dân vùng đất anh hùng ngày càng được nâng cao. Những tuyến đường đô thị được bê tông hóa khang trang, phục vụ tốt cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế. Trên những tuyến đường kiểu mẫu, tuyến phố văn minh sáng, xanh, sạch, đẹp… là kết quả từ sự đồng lòng, chung sức của người dân trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”…
Anh Nguyễn Văn Tâm, khu phố 3, phường Vĩnh Tân, chia sẻ: “Vào Bình Dương lập nghiệp gần 20 năm, tôi cảm nhận được phường thay đổi từng ngày. Từ những định hướng đúng đắn của địa phương, vùng đất này đã có sự chuyển dịch rõ rệt từ nông nghiệp qua công nghiệp - dịch vụ. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt của phường ngày càng khang trang, sạch đẹp…”.
Để có được kết quả đó, nhiều năm qua, Đảng ủy phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được những kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết. Phường cũng đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư khai thác, phát huy hiệu quả các lĩnh vực có tiềm năng. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác giáo dục, văn hóa, y tế, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách được quan tâm thực hiện bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường…
Tháng 4 về, tượng đài chiến thắng uy nghi trong ánh nắng vàng giữa bầu trời trong xanh, là biểu tượng bất diệt của những chiến công lừng lẫy đầy tự hào. Mỗi tấc đất Chiến khu Vĩnh Lợi là kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của những năm tháng chiến đấu nhiều hy sinh nhưng rất đỗi anh hùng. Trang sử vàng Chiến khu Vĩnh Lợi sẽ sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Tháng 4 về thăm lại chiến khu xưa để cảm nhận sự hồi sinh, sức sống mới của một vùng đất một thời mưa bom bão đạn, để thêm tự hào về truyền thống và có thêm động lực phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương trong thời kỳ mới…
Còn tiếp
HUỲNH THỦY - THANH TUYỀN