Không những theo dõi trên báo Bình Dương về cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, ông Hà Văn Thăng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã từng trực tiếp gặp, trao đổi công việc với ông Hoàng Đạo (Nguyễn Văn Hoàng). Những cuộc gặp ngắn ngủi đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên về con người, tính cách của Điệp viên A13 Hoàng Đạo.
Ông Hoàng Đạo trước đây thường liên lạc với Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng để được hỗ trợ, bổ sung vào lịch sử của TX.Dĩ An (ngày nay), đặc biệt, ông đã có nhiều đóng góp vào lịch sử hào hùng của Công ty Xe lửa Dĩ An. Ngoài ra, ông Đạo còn đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để đề nghị giúp đỡ xin đất lập tấm bia ghi dấu sự ra đời Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An trong nhà máy. Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một năm 1930. Công ty Xe lửa Dĩ An là nơi ông giác ngộ lý tưởng cách mạng khi còn là cậu thanh niên 13, 14 tuổi. Nơi đây đã gắn bó với Hoàng Đạo cả một thời thơ ấu. Điều đó đã được nhà văn Ngọc Hải viết lại: “Công việc đầu tiên của đời công nhân - bắt đầu bằng việc châm nước cho thợ tiện, cho tới lúc 13, 14 tuổi, chú bé khéo tay đã biết làm nghề, đã có tiền để góp tiền Công hội Đỏ mỗi tháng một hào. Việc lập bia tưởng niệm còn để thể hệ trẻ Dĩ An nói riêng, thanh niên Bình Dương nói chung, hiểu về lịch sử đấu tranh của cha ông xưa. Giờ đây, bia đã được xây dựng không chỉ là niềm tự hào của những người làm trong nhà máy mà đó còn là niềm vui cuối đời dành cho Hoàng Đạo”.
Trước kia, trong lúc gặp gỡ trao đổi, trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Đạo không hề nói gì về hoạt động tình báo. Về sau, qua tìm hiểu cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ”, chúng tôi mới biết thêm “nghề mới” của ông điệp viên kín tiếng này. Khi gặp gỡ mọi người, ông Hoàng Đạo rất khẳng khái, nói năng dứt khoát, tác phong nhanh nhẹn. Mọi việc ông nói ra đều sử dụng dẫn chứng để thuyết phục. Những câu nói gãy gọn nhưng chứa đầy ý nghĩa.
Ngoài ra, tôi còn gặp Hoàng Đạo tại các buổi tọa đàm để cho ra đời cuốn sách lịch sử nhà máy và phong trào công nhân Dĩ An. Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Đạo cũng đóng góp nhiều ý kiến như khi trao đổi với nhà văn Ngọc Hải. Ông bảo: “Góp rất khó, vì người ta viết các vấn đề lý luận đều đúng cả, chỉ có điều chưa sát với thực tế Dĩ An. Có lẽ tôi sẽ viết riêng ra cái phần tư liệu mình biết để đưa cho họ…”, hay đoạn nhà văn nhắc lại lời ông “Sự hình thành giai cấp thời kỳ chủ nghĩa tư bản không thể dùng lý luận chung gán ghép. Đặc điểm công nhân Dĩ An xuất thân từ nông dân chỉ có nghề làm ruộng mà lại không có ruộng - Họ ước mơ làm thợ để có ruộng và hai con bò kéo - Họ ước mơ cụ thể kiểu nông dân - Ông thường xuyên đi về làng quê, nay đã là nhà máy lớn - Vẫn phát hiện ra dấu vết còn lại của ngày xưa”.
Hiện nay, sách viết về công việc tình báo, những người anh hùng hoạt động trong lĩnh vực tình báo không nhiều. Tính chất công việc nguy hiểm, để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đã có những cuộc đời hy sinh thầm lặng. Công việc đó không phải ai cũng có thể làm. Họ có thể hy sinh mạng sống khi bị phát hiện. Thế nhưng, nguyên tắc của họ không bao giờ tìm cách tự sát, sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Họ sáng suốt tìm cho mình một lối đi, hướng giải quyết tốt nhất. Từ đó, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được giao phó. Cuốn sách hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, số lượng phát hành chưa nhiều. Do đó, nên chăng cần có những cuốn sách cầm tay để thế hệ trẻ đọc, hiểu thêm về công việc những người làm điệp viên. Đó cũng giúp thế hệ trẻ học tập lý tưởng cách mạng của một thanh niên Dĩ An, từ nhỏ đã có chí lớn, sống trong lao tù vẫn không “sờn lòng”. Nhà văn Ngọc Hải viết: “Bị cùm chân, giam riêng, nhưng với kinh nghiệm của một người hoạt động nghề nghiệp lâu đời, ông bắt đầu quan sát và bí mật “nghiên cứu” các vấn đề của chiến khu qua người gác hoặc người đưa cơm”.
TỐ TÂM