Học sinh đang thiếu hụt kỹ năng sống

Cập nhật: 14-04-2010 | 00:00:00

Trở lại đề tài đang là vấn đề được dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm: Bạo lực học đường (BLHĐ). Đặc biệt quan tâm bởi gần đây BLHĐ có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Học trò đánh thầy, nữ sinh đánh nhau, đâm bạn chết ngay trên lớp học... liên tiếp xảy ra đây đó. BLHĐ đã thực sự là “nỗi lo lớn” của từng nhà trường, từng gia đình có con em đang đi học. Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho các em ở từng cấp học ở trường phổ thông, trong đó việc lồng ghép nội dung kỹ năng sống vào các bài giáo dục công dân là hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp để hạn chế BLHĐ, vì hiện nay học sinh (HS) nói riêng và giới trẻ nói chung đang thiếu hụt kỹ năng sống.

Đúng vậy, đã đến lúc phải xin việc giáo dục kỹ năng sống cho HS là thiết yếu. Nhưng việc giáo dục kỹ năng sống cho HS phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, văn hóa của từng vùng miền... sao cho các em cảm thấy gần gũi với cuộc sống của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, chứ không chỉ trên sách vở hay những lời nói suông. Việc giáo dục kỹ năng sống phải bắt đầu từ việc định hướng và định hình cho các em để có những hành vi tốt đẹp, biết chủ động xử lý tình huống theo chuẩn mực đạo đức. Nên chăng, có thể đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho các em từ bậc học mầm non, bởi ở lứa tuổi này các em đang hình thành hành vi cá nhân và tính cách. Ở những cấp học tương ứng với độ tuổi lớn dần thì việc giáo dục kỹ năng sống cho các em cần phải khơi gợi và phát huy sự tham gia của các em bên cạnh sự hướng dẫn của thầy cô giáo, không nên áp đặt ý kiến hay suy nghĩ chủ quan của thầy cô giáo cũng như người lớn vì ở lứa tuổi này các em rất muốn thể hiện và khẳng định bản thân.

Bắt đầu từ năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Quyết định này của bộ được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào trường học không phải muốn là có thể làm ngay được vì ngành giáo dục chỉ thiên về dạy chữ, còn dạy HS làm người thì trách nhiệm không chỉ của riêng ngành giáo dục. Mặt khác, giáo viên

giảng dạy nội dung kỹ năng sống phải là người có kiến thức tâm lý, chuyên về giáo dục tâm lý, kỹ năng sống, chứ không thể kiêm nhiệm hay dạy theo ngẫu hứng. Và quan trọng hơn hết là cần có sự phối kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, ở từng gia đình nhỏ - tế bào của xã hội - thì ông bà, cha mẹ, anh chị hãy là tấm gương sáng để các em noi theo và hãy gần gũi, chia sẻ, tâm sự, động viên và cùng các em tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống...

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên