Hồi hộp nghe tăng... viện phí!

Cập nhật: 20-09-2011 | 00:00:00

Có lẽ một trong những vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm đặc biệt hiện nay, nhất là những hộ nghèo, công nhân lao động... đó là vấn đề Bộ Y tế đề nghị tăng viện phí. Theo đó, tại buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 14-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho Bộ Y tế trong quý IV-2011 phải cố gắng trình Chính phủ dự thảo mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, để đến năm 2012 sẽ đưa vào triển khai thực hiện.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, lộ trình từ 2011- 2012, viện phí sẽ bao gồm các chi phí trực tiếp chi cho bệnh nhân như thuốc, máu, dịch truyền, điện nước, bảo dưỡng thiết bị. Từ năm 2013 trở đi sẽ thay thế cách tính viện phí theo giá dịch vụ hiện hành, chuyển thu viện phí theo nhóm chẩn đoán. Và 350 dịch vụ tăng giá lần này chiếm 10% tổng số dịch vụ ngành y tế đang thực hiện, trong đó giá khám bệnh hiện là 3.000 đồng/lần khám được đề nghị nâng lên 30.000 đồng/lần; khung giá giường bệnh viện (hạng 1) là 12.000 - 18.000 đồng/ngày được đề nghị nâng lên 100.000 - 180.000 đồng/ngày; chạy thận nhân tạo từ 150.000 - 300.000 đồng/lần dự kiến tăng lên 300.000 - 400.000 đồng/lần; phẫu thuật vết thương phần mềm tổn thương nông từ 15.000 - 40.000 đồng, đề nghị nâng lên 100.000 - 145.000 đồng...

Việc đề xuất tăng viện phí là nhằm thay cho khung giá viện phí lỗi thời đã có từ năm 1995, do đó việc tăng viện phí lần này theo nhìn nhận của nhiều người là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại. Với việc tăng viện phí, các bệnh viện sẽ có nguồn tài chính để đầu tư cho con người, trang thiết bị, chính sách cho các y, bác sĩ để họ yên tâm làm việc, từ đó người bệnh sẽ được phục vụ tốt hơn... Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là việc tăng viện phí sẽ tác động không nhỏ đến người dân do chi phí khám, chữa bệnh tăng, phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng tăng tương ứng, nhất là người nghèo và cận nghèo. Đối với người nghèo, hiện Nhà nước hỗ trợ 100% mua BHYT, sau đó họ phải đồng chi trả 5%, người cận nghèo Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua BHYT, khi khám, chữa bệnh họ phải đồng chi trả 20%. Song, dù đồng chi trả 5% hay 20% thì đây vẫn là khoản chi phí khá lớn đối với họ, nhất là những bệnh nhân phải điều trị lâu dài...

Mặt khác, theo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nếu tăng viện phí quỹ BHYT chỉ có khả năng cân đối trong giai đoạn 2011-2012, đến năm 2013 phải tính toán đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh mức đóng BHYT, đồng thời tăng mức hỗ trợ cho người nghèo (năm 2010, mức đóng BHYT được nâng từ 3 - 4,5% lương tối thiểu và theo Luật BHYT có thể điều chỉnh phí BHYT lên 6% lương tối thiểu)...

Bên cạnh đó, có thể thấy việc tăng viện phí sẽ ảnh hưởng trước nhất đến những người không tham gia BHYT và như vậy 40% người dân với khoản 36 triệu người chưa có thẻ BHYT sẽ phải tự chi trả cho khoản tăng này, trong khi thường nhóm này lại là nhóm có thu nhập thấp hoặc thu nhập không ổn định. Riêng những người có tham gia BHYT đồng chi trả cũng phải chịu tác động lớn vì mức chi trả phải nhiều hơn trước do viện phí tăng lên... Do đó mong muốn của nhiều người, nhiều ngành là thống nhất với việc viện phí phải được điều chỉnh tăng lên, nhưng mức tăng phải như thế nào cho phù hợp để nó không trở thành là gánh nặng cho người nghèo.

VÕ HƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên