Hôm qua em đi lễ chùa…

Cập nhật: 23-02-2013 | 00:00:00

Vâng, không chỉ mới hôm qua mà nhiều ngày qua, nhiều năm qua, cứ vào mùa lễ hội đầu xuân mới là có rất nhiều người đi lễ chùa và ở đó có nhiều khía cạnh văn hóa, phản văn hóa được luận bàn. Trong mùa lễ hội đang diễn ra tấp nập trên các địa phương từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược vẫn còn đó nhan nhản các vấn đề tâm linh, cúng bái, cầu khẩn, kinh doanh… mà thiết nghĩ, dù không mới nhưng nói thêm lần nữa cũng không thừa.

Đầu tiên là chuyện kinh doanh “chặt chém” xảy ra hầu như ở tất cả các lễ hội. Một chỗ gửi xe, ngày thường là 1.000 - 2.000 đồng, nhưng vào mùa lễ hội giá cả có thể nâng cao gấp hàng chục lần, thậm chí nhiều hơn nhưng vẫn không thể quản lý nổi. Không chỉ chuyện giá gửi xe, từ dĩa cơm, tô bún, đến nhang đèn… tất tần tật đều có giá cao ngất ngưỡng, “móc túi” khách hành hương một cách vô tội vạ. Tình trạng đó lặp lại nhiều mùa lễ hội đã qua, nhiều địa phương khi trả lời báo chí đều khẳng định sẽ chấn chỉnh, dẹp bỏ, nhưng chấn chỉnh đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhiều lễ hội ngày càng bát nháo hơn!

Chuyện văn hóa kinh doanh đã vậy, chuyện văn hóa tâm linh lại càng muốn nói hơn. Cửa chùa luôn rộng mở để đón tất cả những ai bước đến với tấm lòng thành chân thật nhất, để cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân, cho gia đình. Ở đó mọi sự cầu xin đầy toan tính của người trần, mắt thật sẽ là điều phi lý. Những Bà Chúa Kho, Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu hay bà gì gì đi nữa cũng không thể đem lại nhà lầu xe hơi cho con người thời hiện đại. Biết vậy nhưng trong dòng người tấp nập đi lễ chùa lại không chịu hiểu vậy. Họ muốn các bà, các ngài phải “phục vụ” cho cái sự cầu xin vô lý, những toan tính không lương thiện của bản thân mình.

Đã có những nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng rằng, Bà Chúa Kho là người giữ kho lương cho chồng yên tâm đánh giặc chứ mặc nhiên bà không hề dính dáng đến chuyện thương trường, cớ sao đến với Bà, ai cũng cầu xin làm ăn trúng quả để được giàu sang. Bà chỉ giữ kho lương chứ nhất thiết bà không phải nhà băng, sao nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều “đại gia” đến đây lại muốn “vay vốn” của Bà! Tương tự là chuyện xin ấn đền Trần bát nháo bao năm qua. Ấn đền Trần là để mang lại sự thanh bình cho bà con quanh vùng, từ xưa đến nay chỉ là vậy. Nhưng vẫn có rất nhiều người, đặc biệt là quan chức lại muốn xin ấn, không phải xin mà là mua, thậm chí là cướp để mong thăng quan tiến chức!

Đến cửa chùa, cửa đền, đến những di tích văn hóa đầu năm để cầu mong điều may, cầu sự thuận hòa cho cuộc sống là nét văn hóa cần giữ gìn và phát huy. Mọi sự biến tướng để kinh doanh lễ hội, mọi sự cầu xin không thành thật… tất thảy đều là phản văn hóa. Một vấn đề hiển nhiên vậy sao vẫn có lắm người không chịu hiểu cho!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên