Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt trong quý I/2024

Cập nhật: 30-03-2024 | 07:12:48

Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi có dịch COVID-19.


Du khách quốc tế tham quan Đại Nội Huế.

Thông tin Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3 cho thấy: Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 4,4% so với tháng trước. Đây là kết quả tích cực từ các chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch, sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp du lịch cả nước.

Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi có dịch COVID-19. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam quý I năm nay, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,6%; đường bộ  chiếm 13,5% và đường biển chiếm 2,9%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2024 ước đạt 174.800 tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 14.100 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2024 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm Đà Nẵng tăng 69%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 59%; Cần Thơ tăng 57,7%; Hà Nội tăng 47,6%; Quảng Ninh tăng 18,5%; Lâm Đồng tăng 13,3%.

Năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850.000 tỷ đồng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng toàn ngành cần thực hiện tốt việc truyền thông, xúc tiến quảng bá trong tình hình mới, cần xác định rõ thị trường mục tiêu, tăng cường tiếp cận trực tiếp khách hàng để cung cấp thông tin điểm đến. Mặt khác, ngành Du lịch cần tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành, Trung ương với địa phương, Nhà nước với doanh nghiệp để triển khai hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang nghiên cứu, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền để chỉnh sửa các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường nguồn lực để xúc tiến quảng bá tầm quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ là du lịch đơn thuần mà còn khách hội nghị kết hợp du lịch (MICE), khách cần chăm sóc sức khỏe, nhu cầu chơi thể thao... Do vậy, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản ăn ở, đi lại thì cần phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Ngành Du lịch đang liên kết với các ngành khác như nông nghiệp, công thương để tìm cách tạo sản phẩm tăng chi tiêu, mua sắm của du khách.


Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Hiệp hội ra đời nhằm phát triển việc dạy nghề và việc làm nghề bếp rộng khắp trong cả nước, nâng cao chất lượng nghề bếp, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập, kế thừa, phát huy, lan tỏa tinh hoa ẩm thực, đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn của thế giới", góp phần vào sự tăng trưởng chung của du lịch nước ta. Hiệp hội hướng đến việc huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy nghề bếp phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần nâng cao vai trò của nghề bếp trong cấu phần dịch vụ du lịch; nâng cao vị thế của ẩm thực Việt Nam trên thế giới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch...

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
du lịch

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=281
Quay lên trên