Khách từ Núi Bà về thăm Núi Cậu

Cập nhật: 25-09-2022 | 16:00:22

Dầu Tiếng được mẹ thiên nhiên ưu ái. Nơi đây có suối, có sông, ao hồ. Khung cảnh thiên nhiên, sơn thuỷ hữu tình. Vào mỗi dịp cuối tuần, có hàng ngàn du khách phương xa về Dầu Tiếng để trải nghiệm hoà mình với thiên nhiên. Tập 5 Tôi yêu Bình Dương, quần thể du lịch sinh thái Núi Cậu-hồ Dầu Tiếng đã tạo ra sự hứng khởi đối với độc giả của báo Bình Dương.

Đã có Núi Bà lại thêm Núi Cậu

Quần thể Núi Cậu với tổng diện tích hơn 1600 ha, gồm 21 ngọn (7 ngọn lớn và 14 ngọn nhỏ), ngọn núi có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là Núi Cửa Ông cao 295m, Núi Ông cao 285m, Núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất cao 63m là Núi Chúa. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc – Đông Bắc và Nam - Tây Nam.

Đường lên Núi Cậu

Điều thú vị chính là trong những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở lòng hồ Dầu Tiếng du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Núi Cậu và cả Núi Bà (thuộc tỉnh Tây Ninh). Điều trùng hợp cả hai ngọn núi nổi tiếng khắp miền Đông Nam Bộ này đều có những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng. 

Nấm tràm nấu cháo gà

Nấm tràm hình dạng khá đa dạng, tai màu tím nhạt, tròn và béo múp có cây tím thâm, mới nhú lại búp tròn nấm nhỏ còn gọi là nấm búp trông giống như cây, nấm lớn có hình như cái ô có màu tím như màu quả măng cụt, vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn chỉ trong vòng khoảng 1 tháng. Nói chung, nấm tràm bên ngoài có màu nâu tím, bên trong trắng mịn, hình dáng rất đẹp nhưng vị thì đắng. Loài thực vật này được mọc tự nhiên trong rừng phòng hộ Núi Cậu. Theo người dân chia sẻ, nấm tràm dùng làm nguyên liệu nấu cháo gà sẽ cho vị ngọt, xen lẫn chút đăng đắng… ngon đến quên lối về.

Cung đường đi lên Núi Cậu nằm giữa những dãy núi, đường đi khúc khuỷu quanh co, với những con dốc uốn lượn nằm nép mình bên tán cây rừng. Vào mùa mưa, tán rừng phòng hộ xanh bạt ngàn. Hoà nhịp vào thiên nhiên còn có hàng trăm loại chim đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống, đúng với câu “Đất lành chim đậu”. Chính vì thế nghề nuôi chim yến đã manh nha và phát triển hàng chục năm qua tại khu vực. Nếu biết khai thác, nghề nuôi yến vẫn có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo mà huyện Dầu Tiếng đã sở hữu.

Anh Trần Văn Út (Tây Ninh) chia sẻ, nghe danh Núi Cậu-hồ Dầu Tiếng từ lâu nên anh và gia đình đã có chuyến đi dã ngoại. Những địa điểm du lịch như Suối Trúc, bãi Trứng, chùa Thái Sơn… đã tạo ấn tượng đối với gia đình anh. Sau khi tắm suối Trúc, dâng hương chùa Thái Sơn, gia đình anh Út đã có bữa ăn là đặc sản cá có tại hồ Dầu Tiếng. Món lẩu chua cá lăng, loài cá đặc hữu sinh sống tại lòng hồ Dầu Tiếng là đặc sản du khách không thể bỏ qua khi đến tham quan Núi Cậu-hồ Dầu Tiếng.

Quần thể du lịch sinh thái Núi Cậu-hồ Dầu Tiếng còn khá hoang sơ, chưa bị tác động nhiều của con người. Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, những năm qua địa phương đã cố gắng gìn giữ, phát triển các loài động thực vật đặc hữu của rừng phòng hộ Núi Cậu. Ngoài việc bảo vệ thiên nhiên, địa phương cũng muốn khai thác những tiềm năng, lợi thế mà quần thể du lịch Núi Cậu-hồ Dầu Tiếng đang sở hữu.

Cần có sự liên kết

Con sông Sài Gòn chảy qua huyện Dầu Tiếng trước khi xuống hạ nguồn, mở cửa cho du lịch đường sông không chỉ riêng của Dầu Tiếng mà cho cả tỉnh Bình Dương. Rất nhiều cuộc Hội thảo đã được tổ chức để tìm ra lối đi đưa du lịch sông nước trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Bình Dương.

Vẻ đẹp lung linh của hồ Dầu Tiếng

Tuy vậy, cho đến nay huyện Dầu Tiếng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mình. Nhiều địa điểm du lịch hình thành tự phát chưa đi vào nề nếp, cũng như tạo ra dấu ấn đậm nét đối với du khách gần xa.

Anh Nguyễn Bửu Tâm, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ huyện Dầu Tiếng cho rằng, Núi Cậu-hồ Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng. Đối tượng hướng tới không chỉ là những du khách thập phương, mà còn là bộ phận đông các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Nhu cầu nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi là rất lớn. 

Du khách đến tham quan, thưởng lãm tại Suối Trúc

Ven sông Sài Gòn từ hạ lưu TP.HCM đi lên Dầu Tiếng đi qua những địa danh nổi tiếng của Bình Dương như chợ Lái Thiêu, địa đạo Tam giác sắt, địa đạo Củ Chi, lòng hồ Dầu Tiếng… Bên cạnh đó, những làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi nằm lân cận ven sông Sài Gòn như sơn mài, làm guốc mộc, các vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Thanh Tuyền… sẽ là những địa điể tham quan sông nước vô cùng thú vị.

Tiến sĩ Trần Du Lịch từng cho biết: “Muốn khai thác những sản phẩm du lịch độc đáo mà Bình Dương đang sở hữu, nhất là lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn cần có sự liên kết chặt chẽ. Sự kết nối giữa các đơn vị tổ chức lữ hành, và các địa phương giáp ranh với Bình Dương như TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh. Trong cuộc cánh mạng về công nghệ thông tin như hiện nay, du lịch có nhiều cơ hội để vươn mình, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức. Sự liên kết là rất cần thiết, để mỗi địa phương, đơn vị tổ chức lữ hành có thể khai thác hết lợi thế của mình để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo”.

Truyền kỳ về hồ Than Thở”
Hồ Than Thở là tên gọi ban đầu của Suối Trúc. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng VHTT huyện Dầu Tiếng, hàng chục năm trước đoạn đường lên Hồ Than thở rất khó đi vì quanh co, khúc khuỷu… Để đi được lên Suối Trúc, người ta phải đạp xe đạp hàng tiếng đồng hồ. Mệt quá, than thở… rồi tắm suối xua tan nắng nóng, mệt mỏi. Đường lên Suối Trúc ngày nay đã được thảm nhựa, có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy...

Bài Phùng Hiếu-Công Khanh

Chia sẻ bài viết
Tags
Núi Cậu

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên