Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do- Bài 2

Thứ bảy, ngày 19/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Bài 2: Linh hoạt ứng biến rủi ro thị trường

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn như hiện nay, nhất là chính sách bảo hộ của các thị trường xuất khẩu chủ lực hàng hóa Việt Nam, việc tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chủ động mở rộng đối tác mới là hướng đi chiến lược của nước ta nói chung, cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng.

Cơ hội trong thách thức

Theo ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ecco Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Bàng), khai thác tốt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia trong bối cảnh thị trường biến động là hướng đi tất yếu để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đây không chỉ là giải pháp để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp (DN) tiếp cận các thị trường giàu tiềm năng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Lâm Việt

Trong khi các DN vốn đầu tư nước ngoài tận dụng tốt cơ hội từ FTA thì DN trong nước còn có nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để thích ứng với tình hình mới. Liên quan đến chính sách thuế đối ứng mà Chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết đây là thách thức lớn đối với DN trong nước, song cũng là cơ hội để DN tái cấu trúc lại quá trình sản xuất, tăng hiệu quả trong tiết giảm chi phí, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường. Với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ làm tăng chi phí, các DN sẽ phải có những giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất cũng như tối ưu hóa hơn nữa quá trình sản xuất, giúp cân bằng lại chi phí về thuế có thể sẽ tăng trong thời gian tới; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tham gia FTA với Việt Nam.

Đối với DN ngành gỗ, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt (TP. Tân Uyên), cho rằng tham gia FTA khi thuế giảm về 0% hoặc ở mức rất thấp, các nước thành viên sẽ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cao đối với hàng nhập khẩu, tạo nhiều rào cản kỹ thuật. Với thị trường Liên minh châu Âu, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này trước hết DN phải nắm bắt được khách hàng yêu cầu gì, DN phải xây dựng kế hoạch, phải ứng dụng chuyển đổi số để quản trị, quản lý theo hướng minh bạch hóa quy trình.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, chia sẻ hiện nay sản phẩm thời trang được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Trong điều kiện Chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố mức thuế quan đối ứng mới, để triển khai hiệu quả các FTA phía DN cần được hỗ trợ những giải pháp tổng thể, định hướng cho DN trong quá trình phát triển bền vững, từ việc xây dựng tiêu chí xanh cho đến toàn bộ quá trình, chương trình thực hiện; hỗ trợ DN nâng cao nguồn nhân lực.

Hỗ trợ DN hiệu quả

Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Các hiệp định này giúp DN có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế với thuế suất giảm hoặc miễn thuế. Tuy nhiên, hiện nhiều DN nhỏ và vừa không có đủ năng lực vốn và khả năng cạnh tranh với các DN lớn hơn và đối thủ nước ngoài khi tham gia vào thị trường quốc tế. Đa phần DN nhỏ và vừa không có bộ phận pháp chế chuyên trách, dẫn đến việc thiếu hiểu biết về các quy định pháp lý, hợp đồng thương mại, quyền sở hữu trí tuệ nên dễ gặp rủi ro trong giao dịch quốc tế.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quang Vũ cho biết ngành công nghiệp giày da hội nhập rất sâu rộng thị trường thế giới. Trước đây, yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra, nhưng hiện nay đã được luật hóa. Các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Liên minh châu Âu… đòi hỏi sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn rất cao. Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng khi triển khai trong thực tế lại vướng mắc bởi nhiều lý do. Đơn cử như việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất quy trình thủ tục quá phức tạp, để được vay vốn hỗ trợ DN phải hạch toán độc lập với nguồn vốn DN và số tiền vay này chỉ hỗ trợ cho các nội dung của gói vay này mà không được làm việc khác. Điều này khiến DN rất bị động.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tận dụng lợi thế từ các FTA, trong thời gian tới ngành công thương tiếp tục nỗ lực hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh, các biện pháp, giải pháp, chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương là tiếp tục phối hợp thực hiện xây dựng các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua xúc tiến thương mại, kết nối với các DN vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị, tín dụng… 

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, cho biết dự kiến cuối năm 2025, hệ sinh thái tận dụng FTA có thể đi vào cuộc sống. Kỳ vọng khi đó, những vướng mắc trong khai thác cơ hội từ các FTA phần nào được giải quyết. Hệ sinh thái được ban hành sẽ huy động nguồn lực từ các bộ, ngành, hiệp hội, tạo sự tập trung nguồn lực khai thác FTA hiệu quả hơn. Các ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường nhận thức và tuyên truyền về FTA; xây dựng kế hoạch hành động chi tiết; có các giải pháp hỗ trợ chuyên sâu; kết nối các mắt xích trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu từ nông dân, DN đến ngân hàng, logistics và chính quyền.

TIỂU MY - THANH TUYỀN