Khai thác khoáng sản gắn với kinh tế tuần hoàn: Hướng đi bền vững - Kỳ 2
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Kỳ 2: Động lực tăng trưởng xanh
Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Bình Dương đang hướng đến tận dụng phụ phẩm khai thác khoáng sản, tái chế sâu, tạo nền tảng cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Khai thác bền vững
Trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm và những tác động tiêu cực từ khai thác cát trên các tuyến sông, lòng hồ, việc chế biến sâu từ sản phẩm đá mi để tạo ra cát nhân tạo đang trở thành giải pháp cấp thiết, góp phần giảm áp lực lên nguồn cát tự nhiên và nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản.
Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH SX-TM-DV Hồng Đạt, Công ty Xây dựng Bình Dương đã đầu tư dây chuyền thiết bị chế biến cát nghiền (còn gọi là cát nhân tạo). Cát nhân tạo được sản xuất từ đá mi nghiền, loại đá có kích thước nhỏ, trước đây thường không được tận dụng hiệu quả. Đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Hồng Đạt cho hay việc đầu tư dây chuyền chế biến không chỉ giúp tối ưu nguồn tài nguyên sẵn có mà còn góp phần tạo ra một loại vật liệu thay thế bền vững. Với công nghệ hiện đại, cát nghiền có thể thay thế hoàn toàn cát tự nhiên trong xây dựng, đặc biệt là trong sản xuất bê tông thương phẩm.
Ông Võ Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương, chia sẻ nếu không có cát nhân tạo ngành xây dựng phải khai thác cát từ lòng sông, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sạt lở và mất cân bằng sinh thái. Cát nhân tạo có thể được sản xuất ngay tại các khu vực có mỏ đá giúp giảm chi phí vận chuyển và bảo đảm nguồn cung ổn định. Thời gian tới, nếu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, kết hợp với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, cát nhân tạo sẽ trở thành xu hướng tất yếu, thay thế dần cát sông và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như gạch không nung cũng tận dụng phụ phẩm nguồn đá mi, đá hộc góp phần giảm sử dụng gạch nung truyền thống, bảo vệ tài nguyên đất sét và hạn chế khí thải từ các lò nung. Theo các chuyên gia, tận dụng nguồn phụ phẩm khai thác khoáng sản để tái chế biến sâu là một hướng đi hiệu quả và bền vững. Các sản phẩm chế biến sâu như gạch không nung, cát nhân tạo có giá trị tăng lên nhiều lần. Để thúc đẩy hoạt động này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, đồng thời có các chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế biến sâu.
Tận dụng tốt nguồn tài nguyên sau khai thác
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để khai thác khoáng sản bền vững là quy hoạch hợp lý. Hiện nay, các phân khu chức năng trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm chỉnh theo quy hoạch; cùng với đó Luật Khoáng sản, Luật Môi trường, Luật Quản lý đất đai đã có những quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm việc khai thác khoáng sản đúng quy chuẩn.
Ông Võ Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương: Để tránh tình trạng đất quy hoạch khai thác khoáng sản nhưng chưa tận dụng hết đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng, cần thực hiện triệt để quy hoạch khai thác. Các doanh nghiệp cần sớm phối hợp thực hiện thông moong, khai thác phần sâu và nâng sản lượng khai thác để bảo đảm việc khai thác khoáng sản hiệu quả và phù hợp với quy hoạch tổng thể đến năm 2050. |
Ông Võ Minh Đức cho rằng, việc khai thác khoáng sản luôn là một vấn đề nhạy cảm khi có thể gây ra xung đột về môi trường, kinh tế và xã hội. Song, thay vì xem khai thác khoáng sản là một nguồn gây xung đột, chúng ta có thể biến nó thành cơ hội phát triển bền vững nếu có quy hoạch hợp lý và tận dụng tốt các nguồn tài nguyên sau khai thác. Chẳng hạn, các khu vực khai thác khoáng sản là đá xây dựng, khi khai thác xong sẽ để lại các hố mỏ. Nếu có kế hoạch tái sử dụng hợp lý có thể biến những hố mỏ này thành hồ chứa nước ngọt phục vụ cho đô thị.
Tại huyện Bắc Tân Uyên, 600 ha diện tích quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng sâu tới âm 120m. Những hố mỏ sau khai thác có thể chứa lượng lớn nước sạch. Việc biến những hố mỏ cũ thành hồ chứa nước không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn tận dụng được tài nguyên nước một cách hiệu quả. Hơn nữa, các hồ nước này có thể trở thành điểm du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Có thể nói, quy hoạch khai thác hợp lý gắn với phục hồi môi trường sau khai thác là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm đời sống cộng đồng giúp ngành khai khoáng trở thành động lực tăng trưởng dài hạn. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, để đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Bình Dương khuyến khích khai thác triệt để, tận thu khoáng sản đối với khu vực đã được cấp phép, giảm thiểu diện tích chiếm dụng đất, thực hiện nghiêm quy định ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; kịp thời triển khai áp dụng các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Bình Dương cũng ưu tiên chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đối với các sản phẩm khoáng sản có giá trị kinh tế cao, có giá trị sử dụng rộng rãi, hiệu quả...
TIẾN HẠNH