Khai thác tốt vị thế để Việt Nam hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 15-04-2024 | 15:16:37

(BDO) Tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, các diễn giả cho rằng Việt Nam có vị thế tốt để hợp tác với Trung Quốc nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong sản xuất và dịch vụ. Tinh thần doanh nhân là động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu nhưng sự khởi đầu non trẻ của một doanh nghiệp lại phụ thuộc vào sự canh tân, điều này lại đến từ sự sáng tạo. Do đó, cần phải “nuôi dưỡng” sự sáng tạo, thúc đẩy đổi mới.


Phiên họp “Nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới”

Khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại phiên họp “Nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới”, các diễn giả đã thảo luận xung quanh các vấn đề: Làm sao thúc đẩy sự phát triển bằng khoa học - công nghệ; làm sao để ĐMST không thất bại; làm thế nào để phát triển tâm lý cho rằng thất bại là điều bình thường trong quá trình đổi mới...

Theo diễn giả Đặng Đức, Giám đốc Khu công nghiệp khoa học - công nghệ,  Tổng Công ty Becamex IDC, đổi mới là từ ý tưởng đến ứng dụng thực tế tạo ra được giá trị để phát triển kinh tế. Công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị chuỗi cung ứng.

Nhà nước sẽ tham gia khi thị trường gặp vấn đề. Trong điều kiện đó, Chính phủ cần nhạy bén khi thị trường đang có cơ hội và có sự can thiệp với những ưu đãi để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. 

Giai đoạn ươm mầm cho những ý tưởng ĐMST rất quan trọng và cần có thời gian để chín muồi những giai đoạn này.

Diễn giả Claude Begle, Chủ tịch SybiSwiss (Thụy Sĩ), cho rằng đổi mới là ứng dụng ngay được những ý tưởng, sáng kiến mới. Hiện các tổ chức đang hợp lực với nhau để thúc đẩy ĐMST. Nhà nước nên có chính sách, định hướng, tư duy và ưu tiên chính cho ĐMST phục vụ cho các lợi ích cộng đồng, đồng thời khuyến khích người dân ĐMST.


Các diễn giả thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo

Cần có sự hỗ trợ của Chính phủ

ĐMST sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh doanh, nâng cao năng suất và nền kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, để ĐMST hiệu quả cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Tại phiên họp “Nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới”, các diễn giả đã thảo luận vấn đề: Làm thế nào để tạo ra một môi trường phát triển tốt ở Việt Nam và Trung Quốc cho các hoạt động ban đầu của các công ty lớn cũng như các công ty khởi nghiệp.

Theo ông Wang Dong, Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và hiểu biết toàn cầu, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), khó có thể xác định được hướng đi của ĐMST từ châu Âu sang châu Á. Vì các bên đều có thế mạnh và lợi thế riêng nên cần có sự hợp tác với quan điểm đôi bên cùng có lợi. 

Điển hình như Trung Quốc và Việt Nam có nét tương đồng về văn hóa, do đó hai nước có thể vận dụng những lợi thế để bổ trợ cho nhau cùng phát triển, cùng nhau hưởng lợi ích. Chính phủ lên kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển ĐMST. Chính phủ cần có chuỗi thông tin để đưa ra những chính sách, chiến lược phù hợp trong việc hỗ trợ cho các hoạt động ĐMST. Đồng thời, Chính phủ cần đào tạo, tạo ra nguồn lực nhân sự thích ứng yêu cầu sự phát triển của thế giới và Việt Nam.

Diễn giả Đặng Cường, Đối tác, Giám đốc điều hành Forbes Việt Nam, cho biết Trung Quốc là một quốc gia trải qua nhiều năm họ tìm ra được điểm mạnh của họ là gì và họ có những giải pháp, hỗ trợ để ngành đó phát triển mạnh hơn. 

Hiện ngành sản xuất của Việt Nam còn khá nhỏ so với nền kinh tế của Trung Quốc. Việt Nam nên hỗ trợ, đầu tư những doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST để hệ sinh thái ĐMST phát triển mạnh hơn. Một mình doanh nghiệp sẽ khó có thể làm được nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=290
Quay lên trên