Khám phá Cù lao Rùa xanh mướt, yên bình

Thứ bảy, ngày 05/11/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Tại TX.Tân Uyên có một cù lao xanh mướt được ôm trọn bởi dòng chính của sông Đồng Nai và một nhánh rẽ con sông này. Đó là Cù lao Thạnh Hội hay còn được gọi với tên dân gian là Cù lao Rùa, một địa danh nổi tiếng có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa và khảo cổ học.


Khung cảnh bình yên của Cù lao Thạnh Hội hay còn được gọi với tên dân gian là Cù lao Rùa

Nhìn từ trên cao, vùng đất cù lao chập chờn trên sóng nước bao quanh trông giống như một con rùa nên được gọi là Cù lao Rùa. Trên mảnh đất cù lao này có một ngọn đồi cao khoảng 15m (trông rất giống hình mu rùa). Ở đỉnh gò còn có một ngôi chùa cổ có niên đại khoảng 200 năm, đó là chùa Khánh Sơn.

Từ thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ đã khám phá ra rằng: Vào 3.000 đến 3.500 năm trước đã có một nền văn hóa ở trên khu di tích khảo cổ Cù lao Rùa. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều thông tin khoa học mà trước đây chưa từng phát hiện. Trong đó có bộ răng voi, 1.254 hiện vật bằng đá và đất nung như rìu, bàn mài, khuôn đúc, đục các loại, vòng tay, bi gốm, dọi xe sợi... và nhiều đồ tùy táng khác. Từ những mảnh gốm thu được qua đợt khai quật, các nhà nghiên cứu đã gắn kết, phục chế hình dạng và có thêm nhiều hiện vật gốm, như: Bát bồng, nồi, chậu, đĩa chân cao, tô lớn, âu, hũ... Tài liệu ghi lại của Bảo tàng tỉnh cho thấy có hơn 85.900 mảnh gốm và hơn 6.790 mảnh gốm mộ táng. Vì vậy, khảo cổ học Cù lao Rùa đóng vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa thời tiền sử vùng Đông Nam bộ.

[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]

Tại Cù lao Rùa cũng đã sản sinh và nuôi dưỡng những con người làm nên những điều kỳ diệu và phi thường góp phần tạo ra dòng chảy văn hóa lịch sử “Hào khí Đồng Nai”. Đại diện tiêu biểu của dòng chảy văn hóa lịch sử và cũng là người con đại diện cho vùng đất cù lao này chính là Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An, người đã để lại nhiều dấu son chói lọi trong cuộc đời cách mạng hiển hách của mình.

Song hành cùng những giá trị sâu sắc về lịch sử và con người qua hàng trăm năm, Cù lao Rùa còn được biết đến là nơi tồn tại các ngôi đình, chùa, di tích… cổ kính, như: Di tích lịch sử cấp tỉnh - Đình Nhựt Thạnh, Chùa cổ Khánh Sơn, Miễu Bà Ngũ Hành… mang đậm nét tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa dân gian. Trong đó, di tích khảo cổ Cù lao Rùa mang đến nhiều giá trị đặc biệt về khảo cổ học.

Trước đây, phần lớn người dân trên Cù lao Rùa đều sinh sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, cuộc sống của người nông dân xứ cù lao được cải thiện hơn nhờ có nhiều dịch vụ được mở ra; năng suất được nâng cao bởi những mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến. Thiên nhiên ban tặng cho Cù lao Rùa một địa lý đặc biệt với sông xanh, gió mát, khí hậu trong lành kết hợp cùng vẻ đẹp trầm mặc của vùng quê yên tĩnh, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Để tìm hiểu thêm thông tin về các di tích cổ kính có niên đại hàng ngàn năm, cũng như khám phá vẻ đẹp yên bình đến nao lòng tại một địa phương với nhiều khu công nghiệp, cùng trải nghiệm nhịp sống của những nông dân hiện đại nhưng mang đậm nét tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa dân gian ở Cù lao Rùa, mời quý độc giả đón xem tập 11 chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình được phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (6-11) trên truyền hình online của Báo Bình Dương: www.baobinhduong.vn.

MINH HIẾU