Ngay trong lần đầu tiên công bố Chỉ số năng lực Cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam, Bình Dương đã lọt vào Top 5, xếp ở vị trí thứ 3, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng về năng lực cạnh tranh logistics. Đây là tin vui không chỉ thể hiện kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ về việc xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm mạnh về logistics của lãnh đạo tỉnh, mà còn khẳng định Bình Dương là trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Với một tỉnh không có sân bay lớn như TP.Hồ Chí Minh, không có cảng nước sâu như Hải Phòng, kết quả trên có được rõ ràng đến từ quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh. Xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra, ngay từ rất sớm lãnh đạo tỉnh đã chú trọng chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, mời gọi nhà đầu tư phát triển ngành logistics. Từ một vài doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này với các kho bãi, cảng cạn ban đầu, đến nay hệ thống logistics của tỉnh đã tiến xa, hoàn thiện và khép kín với rất nhiều nhà đầu tư tên tuổi đến từ trong và ngoài nước.
Mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý là trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, nhưng nếu thiếu quyết tâm chính trị thì Bình Dương khó đạt được kết quả nói trên. Quyết tâm chính trị với tham vọng biến Bình Dương trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng cho cả khu vực và Tây nguyên đã thôi thúc các nhà hoạch định chiến lược của Bình Dương phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Bền bỉ phát triển, mạng lưới giao thông của Bình Dương ngày càng được nâng cấp, mở rộng và kết nối đã hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực này, đưa Bình Dương trở thành địa phương có năng lực cạnh tranh logistics đứng thứ hạng cao của cả nước.
Quyết tâm chính trị phát triển ngành logistics của lãnh đạo tỉnh còn xuất phát từ sự phát triển bền vững địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh, đã trở thành phương châm thôi thúc Bình Dương đồng hành cùng doanh nghiệp. Với con số hơn 64.300 doanh nghiệp trong nước, hơn 4.170 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bình Dương, đẩy mạnh phát triển ngành logistics chính là tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước; đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn để tiếp tục thu hút đầu tư, đưa địa phương phát triển ngày càng bền vững.
Với kết quả đã đạt được và những kế hoạch, giải pháp đang được triển khai, tin tưởng rằng ngành logistics của tỉnh sẽ còn tiến xa, không chỉ đưa Bình Dương trở thành nơi tập kết hàng hóa xuất khẩu, mà còn là trung tâm của chuỗi cung ứng vùng và cả nước.
LÊ QUANG