Hôm nay (10-11), Quốc hội sẽ xem xét thông qua vấn đề trợ cấp, tăng lương cho người nghỉ hưu, người có công và cán bộ, viên chức, công chức lực lượng vũ trang có mức lương thấp. Trước đó vào chiều 7-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chính thức thống nhất vấn đề tăng lương theo phương án do Chính phủ đề xuất. Theo đó, từ ngày 1-1- 2015, tiền lương và trợ cấp sẽ được tăng bình quân 8% cho 3 nhóm đối tượng là người nghỉ hưu, người có công và cán bộ, viên chức, công chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số người nghỉ hưu, người có công do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi trả vào khoảng 2,9 triệu người. Bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống chiếm trên 1,8 triệu người (tương đương khoảng 35% tổng số cán bộ). Với phương án này, nhu cầu kinh phí cho tiền lương tăng thêm năm 2015 vào khoảng 11.100 tỷ đồng. Theo ý kiến của nhiều người, trong lúc ngân sách còn quá khó khăn như hiện nay mà Chính phủ vẫn tính toán để có thể tăng lương tối thiểu cho 3 nhóm đối tượng nói trên là một cố gắng lớn, hoàn toàn hợp lý, giúp các đối tượng này giảm bớt khó khăn trước mắt.
Mặc dù đồng tình với phương án tăng lương nói trên của Chính phủ, nhưng theo ý kiến của nhiều người thì đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài cần có một cuộc cải cách tiền lương chặt chẽ, triệt để hơn và phương án tối ưu vẫn là tăng lương đồng loạt cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Trước tình hình giá cả liên tục tăng như thời gian qua, theo tính toán của nhiều người thì tiền lương mới bảo đảm được 70 - 75% mức sống của người làm công hưởng lương. Do vậy mới có tình trạng giáo viên phải chạy chợ bán rau; cán bộ, công chức phải chăn nuôi, cuốc ruộng để kiếm thêm thu nhập! Nguyên nhân vẫn là do mức lương của chúng ta hiện còn quá thấp.
Để người làm công hưởng lương có thể sống được với đồng lương, theo đề xuất của nhiều người vẫn là tinh giản bộ máy các cơ quan Nhà nước. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Cái khó của vấn đề tinh giản bộ máy Nhà nước theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội là chưa cương quyết. Ngay trong báo cáo trình Quốc hội của Bộ Nội vụ cũng phải thừa nhận tình trạng “giậm chân tại chỗ” trong tinh giản biên chế! Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình, phải thừa nhận rằng: “Dù đã thực hiện Đề án tinh giản biên chế, nhưng mục tiêu là từ nay đến năm 2016 về cơ bản số biên chế vẫn giữ nguyên”! Điều này đồng nghĩa từ nay đến năm 2016 vẫn khó tăng lương đồng loạt như mong muốn của nhiều người vì số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá lớn, trong khi mức tăng ngân sách không đáp ứng nổi nhu cầu tăng lương đồng loạt!
Muốn tăng lương phải giảm biên chế, nhưng làm cách nào để giảm biên chế thì từ bộ ngành Trung ương đến địa phương đều lúng túng, chưa thể thực hiện một sớm một chiều. Do vậy, vấn đề tăng lương đồng loạt xem ra khó thực hiện!
LÊ QUANG