Khoa học sẽ giúp nông dân thoát nghèo

Cập nhật: 18-07-2011 | 00:00:00

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất nước ta, hàng năm cung cấp khoảng 50% lượng lúa gạo, hơn 70 % thủy sản và khoảng 70% trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều vùng đất, thành phố thường xuyên bị ngập, úng hoặc bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Nhiều nơi, tình trạng xâm nhập mặn kéo dài và diễn ra thường xuyên. Theo thống kê, hiện vùng đất này có khoảng 700.000 ha đất trồng lúa nhiễm mặn và 600.000 ha lúa ngập úng cho năng suất thấp hoặc bị bỏ hoang. Từ đó, cái nghèo cứ đeo bám mãi, nhất là những hộ dân sinh sống ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng do nước mặn xâm thực.

Trước viễn cảnh như thế làm cho không ít lãnh đạo chính quyền các tỉnh ĐBSCL, ngành nông nghiệp đau đầu. Và rồi một thông tin vui cũng đến khi tiến sĩ Võ Công Thành, Phó trưởng bộ môn di truyền giống nông nghiệp - khoa nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ công bố đã tìm ra được giống lúa chịu mặn đến 9-10%o, cho năng suất cao không thua kém gì với giống lúa nước ngọt. Hiện, loại giống lúa này đã được nhân giống tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và chuẩn bị sản xuất đại trà. Đây thực sự là một thông tin vui không chỉ đối với người dân các tỉnh ven biển mà là niềm vui chung của gần 20 triệu người dân ĐBSCL có cơ hội thoát nghèo nhờ có thêm sự lựa chọn cây, con giống cho việc phát triển kinh tế. Để có được kết quả bước đầu đó, tiến sĩ Thành đã phải bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu, sưu tập trong dân một “tập đoàn” giống gồm 34 giống lúa để rồi chọn ra được giống lúa ưng ý nhất cho đến thời điểm hiện nay đó là giống CTUS.

Còn nhớ, cách nay khoảng 10 năm, nhiều tỉnh ĐBSCL có chủ trương và khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ trồng lúa sang nuôi tôm và tức thì mô hình này cho hiệu quả kinh tế rất cao. Có nhiều hộ gia đình nhanh chóng thoát nghèo vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng, có người xây được nhà lầu, sắm xe hơi chỉ sau một vài vụ tôm đầu tiên. Tuy nhiên, năm bảy năm trở lại đây là những chuỗi ngày dài đầy ác mộng với người dân nuôi tôm ở ĐBSCL bằng cái vòng lẩn quẩn “ vay nợ - nuôi tôm - tôm chết”, rồi lại “ vay nợ - nuôi tôm - tôm chết”. Cái điệp khúc đó cứ lặp đi, lặp lại làm cho người dân ngày càng khánh kiệt, các tổ chức tín dụng phải khoanh nợ hàng ngàn tỷ đồng. Do đất nuôi tôm có độ mặn cao nên người dân muốn bỏ tôm quay trở lại trồng lúa cũng không được. Từ đó, cái nghèo cứ đeo bám họ mãi. Hy vọng với giống lúa CTUS chịu mặn cao sẽ giúp cho 700.000 ha đất nhiễm mặn ở ĐBSCL có điều kiện phát huy hiệu quả kinh tế, đem lại niềm vui cho hàng ngàn, hàng vạn hộ dân sống ven biển thoát nghèo vươn lên nhờ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp phát triển.Minh Dân
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên