Khoan sức dân để phát triển nông thôn

Cập nhật: 30-03-2011 | 00:00:00

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết ngày 24-11-2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại nghị định này được thực hiện trong vòng 10 năm, kể từ ngày 1-1-2011 đến hết ngày 31-12-2020. Đây có thể xem là động thái khoan sức dân quy mô nhất từ trước tới nay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới nông nghiệp và bộ mặt nông thôn, nâng cao mức sống cho các hộ gia đình nông dân, thực hiện công bằng xã hội.

Có thể nói, trong sự nghiệp đổi mới, nông dân và nông thôn là nơi khởi đầu “khoán chui” để rồi dẫn đến Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, tiếp theo là Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị đưa lại quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh tế gia đình nông nghiệp, tạo ra động lực mới cho nông dân và nông thôn. Động lực này đã đưa đất nước từ chỗ phải “chạy ăn” từng bữa trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Từ sự khởi động đổi mới của nông dân và nông thôn đã thúc đẩy đô thị và công nghiệp dấn bước trên con đường phát triển. Nhưng trên thực tế, sau hơn 20 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp vẫn chuyển biến rất chậm, đời sống của nông dân và bộ mặt nông thôn chưa thật sự khởi sắc. Hệ quả là sản xuất nông nghiệp không bền vững, cả về môi trường và xã hội. Người nông dân luôn đi trước về sau, khó có thể hưởng lợi từ quá trình đổi mới và hội nhập.

Do vậy, tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét “thực hiện một số điều chỉnh về thuế để tiếp tục thực hiện chính sách khoan sức dân”. Chủ trương này đã được thể hiện qua đề xuất cụ thể của Chính phủ là miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Từ đề xuất đó của Chính phủ, ngày 24-11-2010 Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nghị định số 20/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nghị quyết ngày 24-11-2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp càng khẳng định quyết tâm của Chính phủ về khoan sức dân khu vực nông thôn, nơi có tới 70% dân số của cả nước.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, từ xưa đến nay mỗi khi đất nước có những khó khăn, thử thách lớn thì khoan sức dân lại được thực hiện. Khoan sức dân chính là để nuôi dưỡng nguồn lực; là dự trữ, bảo tồn nguồn lực để vượt qua khó khăn. Bài học về khoan sức dân của Thượng phụ Quốc công Trần Hưng Đạo đã chứng minh, có “an dân” thì mới có sự ổn định để phát triển đất nước, là tiền đề quan trọng để khơi dậy nguồn lực của quốc gia. Nhận thức rõ điều này nên trước lúc lâm chung, Thượng phụ Quốc công Trần Hưng Đạo đã trăng trối với Đức vua Trần Anh Tông, rằng: “Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc. Ấy là thượng sách để giữ nước”.

Điều đó càng có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang phấn đấu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... mà Chính phủ đang phát động và hướng tới.

* LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=394
Quay lên trên