Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo chủ trương của Chính phủ, nhưng trong năm 2013, cả nước có gần 1.500 xe công được mua mới với số tiền trên 1.300 tỷ đồng. Xe mua mới chủ yếu là xe chuyên dùng phục vụ công tác đặc thù, hầu như không có xe phục vụ công tác cho chức danh và phục vụ công tác chung.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quy định về khoán xe công đối với các chức danh được sử dụng xe phục vụ công tác. Tuy nhiên, quy định khoán xe này mang tính khuyến khích, chưa bắt buộc. Theo Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, nếu thực hiện bắt buộc khoán xe đối với 26.000 xe công tác, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm chi được hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, nếu tính chi phí cho 1km xe công với giá bình quân của xe taxi, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm khoảng 1.500 t ỷđồng.
Để tiết kiệm chi phí cho ngân sách và sử dụng hiệu quả xe công, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi quy định hiện hành về xe công. Cục Quản lý công sản đang xây dựng dự thảo báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ cho phép quy định theo hướng bắt buộc khoán xe đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung. Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính đang có định hướng: Đối với xe phục vụ công tác chung tại một số vùng miền có thể sử dụng được xe cá nhân, dịch vụ xe công cộng sẽ quy định khoán số xe.
Để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tiết kiệm trong mua sắm và sử dụng xe công, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị... nhưng nhìn chung chưa hiệu quả. Khoán xe là quy định cần phải làm, nên làm song cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện như xe dịch vụ công. Bên cạnh đó, vẫn phải đạt yêu cầu quan trọng nhất là bảo đảm hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cán bộ phục vụ công tác. Tuy nhiên ở những thành phố lớn có dịch vụ xe công tốt, có thể áp dụng trước đối với những khu vực đó để thí điểm. Những địa bàn vùng sâu, vùng xa thì cần nghiên cứu kỹ để đưa ra một lộ trình thực hiện khoán xe công phù hợp, hiệu quả.
NHẬT HUY