Ngày 13-8, Báo Tòa án Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) đưa tin: Tòa án Tối cao đã ban hành thông tư hướng dẫn về thủ tục đối với các vụ kiện khi chính quyền địa phương không cung cấp hoặc không công bố thông tin.
Trước đó vào ngày 9-8, ông Trần Quý Quảng, Giám đốc Phòng Bảo vệ môi trường thị xã Trường Lạc thuộc TP.Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã bị đình chỉ công tác vì đã không cung cấp cho phóng viên thông tin về thỏa thuận bồi thường trong một vụ kiện ô nhiễm môi trường. Ông Quảng đã thẳng thừng từ chối trả lời, không nhận lời phỏng vấn; khi phóng viên liên hệ với ông ta qua điện thoại thì “Anh không được gọi số điện thoại của tôi. Nếu ai cũng có thể gọi tôi bất cứ khi nào họ muốn thì cái chức giám đốc phòng môi trường còn là cái thá gì nữa! Người dân không được gọi vào số điện thoại của tôi! Tại sao những người dân như anh có thể gọi vào số của tôi chứ?”. Dư luận rất phẫn nộ, bất bình đòi kiện ông ta khi biết chuyện này; bởi vì, báo chí và người dân ở đây rất cần thông tin minh bạch từ chính quyền địa phương.
Trong thời đại tin học ngày nay, thông tin rất dễ lan rộng, lan xa mà đúng - sai, thật - giả... nhiễu loạn rối rắm; vì vậy cơ chế tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác là nhu cầu tất yếu của xã hội. Đưa thông tin là quyền Hiến định của công dân. Quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức không những là một yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà còn là biện pháp rất quan trọng, tạo điều kiện cho người dân và toàn xã hội giám sát hoạt động của các tổ chức, cơ quan chức năng, từng công chức khi thực hiện chức trách, công việc của mình có đúng quy định pháp luật. Chính vì ý nghĩa vô cùng sâu sắc ấy mà chủ trương nhất quán của Đảng ta là cần phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy nguồn lực từ nhân dân; tất nhiên việc minh bạch thông tin trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước, những vấn đề khác mà Chính phủ đã quy định thì không được phép công khai.
Do vậy, công khai, minh bạch thông tin là một tư tưởng chủ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền theo quy định như hiện nay là phù hợp, vấn đề chủ yếu là cần vận dụng triển khai, thực hiện tốt những quy định đó. Minh bạch thông tin sẽ bắt mạch đúng và ứng phó kịp thời với những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người dân; dự báo và thông tin những vấn đề cần thiết theo yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước, đối phó kịp thời với những thông tin sai lệch; đặc biệt là các thông tin phản hồi từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước đối với những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Một xã hội lành mạnh nhất thiết phải hình thành cơ chế thông tin chính xác, phong phú và đa dạng; thể hiện rõ tinh thần tôn trọng, phục vụ nhân dân.
Trọng dân, biết cách phát huy vai trò và sức mạnh của dân - luôn là kim chỉ nam, là bài học lớn của Đảng ta trong nỗ lực tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự “của dân, do dân, vì dân”.
THANH NHÀN