Không chỉ bàn chuyện thu tiền!

Cập nhật: 14-02-2011 | 00:00:00

Cuối tuần qua, phương án dự thảo thu phí vào Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa ra đã được dư luận quan tâm đặc biệt. Tuy thông tin này không mới vì đã được ngành chức năng tiến hành dự thảo từ giữa năm 2010, nhưng từ đó đến nay xem ra dư luận vẫn chưa “thông” lắm cho dù đã có nhiều phương án thu phí được cân nhắc.

Theo phương án mà Bộ GTVT chọn làm ưu tiên số 1 để sắp tới trình Chính phủ thông qua, việc thu phí BTĐB được thực hiện trực tiếp trên đầu xe cộ lưu thông. Đối với ô tô, dự kiến áp dụng thu theo tháng và kiểm soát thông qua công tác kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; còn với mô tô, xe gắn máy thì chủ phương tiện trả phí sử dụng đường bộ theo năm cùng với năm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo phương án này, mỗi ô tô đóng từ 180.000 - 1.440.000 đồng, mỗi xe gắn máy đóng 80.000 đồng, mô tô các loại từ 100.000 - 150.000 đồng/chiếc/năm. Trước đó, có phương án đề nghị thu qua giá xăng, dầu tiêu thụ nhưng cách làm này còn nhiều băn khoăn như không chính xác (không phải ai mua xăng, dầu cũng để chạy xe), chi phí thuế và phí trong giá xăng đội lên quá cao (gần 40%)... Trong khi đó, theo lý giải của Bộ GTVT, cách thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện lưu thông tuy sẽ có thất thu (nhất là với mô tô, xe gắn máy) nhưng không bị nhầm đối tượng, chỉ có phương tiện giao thông đường bộ mới chịu phí, công bằng giữa các đối tượng chịu phí, đồng thời ít gây áp lực với việc tăng giá cả hàng hóa.

Trên thế giới, việc lập quỹ BTĐB thông qua xăng, dầu và các loại phí không còn xa lại vì đã được nhiều quốc gia thực hiện. Trong điều kiện nước ta, theo giải trình của ngành GTVT, việc thu phí BTĐB nhằm giảm bớt khó khăn cho Nhà nước vì hiện nay nhu cầu kinh phí BTĐB cần khoảng 12.200 tỷ đồng/năm, trong khi thực tế nguồn vốn cấp cho BTĐB chưa đạt 50% nhu cầu đối với quốc lộ và đối với đường địa phương thì tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều. Đó là lý do để cân nhắc, tuy nhiên điều quan trọng song hành là khi “đẻ” ra một khoản phí mới, cần phải xem xét đến tính đặc thù cũng như các điều kiện thực hiện nhằm bảo đảm cho quyết định có tính khả thi cao. Mức thu 80.000 - 150.000 đồng đối với xe gắn máy, mô tô tuy không lớn nhưng cần cân nhắc xem có phù hợp với đại đa số người dân chưa, nhất là với người thu nhập thấp, người sử dụng xe gắn máy làm phương tiện chạy bữa hàng ngày vốn còn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong xã hội và đang chịu khá nhiều loại phí khác. Đó là chưa nói, việc thu phí đối với mô tô, xe gắn máy hay thậm chí là xe du lịch có cần thiết không, bởi các loại phương tiện này được ví như “rệp bò trên lưng trâu”, theo các chuyên gia cầu đường thì không thể là thủ phạm chính gây ra sụt lún, hư hỏng đường sá (“sát thủ” mới là xe quá tải)...

Thu phí BTĐB sẽ còn là chuyện “nóng” và chắc chắn được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian tới. Chỉ mong rằng, nếu tiến hành thu phí, cần thực hiện khoa học, sát thực tế nhưng cũng phải công bằng: Đã thu phí của dân thì phải làm sao bảo đảm cho dân được hưởng lợi đầy đủ từ chính đồng tiền nghĩa vụ đóng góp. Nói cách khác, cần đề cập nhiều hơn, sâu hơn đến những giải pháp xây dựng, bảo trì đường sá sao cho đẹp hơn, chất lượng hơn nhằm phục vụ việc đi lại, vận chuyển tốt hơn chứ không chỉ quá tập trung vào bàn chuyện làm cách nào để thu tiền triệt để!

* L.M.T

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=352
Quay lên trên