Không chỉ là sự chối từ…

Cập nhật: 09-10-2012 | 00:00:00

Vấn đề đào tạo, tuyển dụng công chức hệ tại chức hay chính quy tiếp tục “nóng” lên khi trong buổi họp báo thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn một lần nữa khẳng định, không có sự phân biệt nào giữa bằng tại chức hay bằng chính quy trong quá trình tuyển dụng công chức. Quan điểm này được nêu ra sau khi thông tin từ báo chí cho biết đến nay cả nước có đến 7 địa phương “nói không với hệ tại chức”. Trước tình hình này, Bộ Nội vụ phải thành lập các đoàn kiểm tra xuống các địa phương để làm rõ nội dung được nêu.

Theo quy định hiện hành, Luật Giáo dục không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp và Luật Công chức cũng không cấm tuyển dụng công chức được đào tạo hệ tại chức. Tuy nhiên, trên thực tế số địa phương, cơ quan, đơn vị… “từ chối” tuyển dụng người được đào tạo hệ tại chức ngày càng nhiều, thậm chí một vài nơi còn thẳng thừng xem đây là một dạng “phế phẩm”. Tất nhiên những địa phương, cơ quan, đơn vị… này có cơ sở để đánh giá và quyết định như vậy, mà trong đó chủ yếu do chất lượng chuyên môn của nhiều người được đào tạo hệ tại chức thời gian qua không đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến tình trạng lãng phí nhân lực, tiền của… Xuất phát từ thực tế của địa phương, lãnh đạo của một tỉnh đã không ngần ngại “chất vấn” ngành giáo dục rằng, “tại sao anh đào tạo kém chất lượng nhưng lại buộc tôi phải chấp nhận, đó là điều vô lý”. Lập luận này ngay lập tức được nhiều nơi khác đồng tình, bởi cho dù rất không muốn “phân biệt” nhưng do khả năng của nhiều người được đào tạo tại chức quá tệ đã buộc lòng một số địa phương, cơ quan, đơn vị… phải “nói không với tại chức” ngay từ khâu đầu vào.

Nói đi thì cũng nói lại, về phía ngành giáo dục vẫn có lập luận bảo vệ quan điểm rằng, hệ tại chức hay chính quy không phải là “cái tội”, vấn đề quan trọng nằm ở khâu đào tạo. Nếu đào tạo quy củ, nghiêm túc thì vẫn bảo đảm chất lượng “đầu ra” và ngược lại. Về bản chất các mô hình đào tạo, người học không “có tội” và cần được tạo sự công bằng giữa các loại hình đào tạo. Tuy nhiên, chính các nhà làm giáo dục cũng không phủ nhận chuyện có lúc, có nơi do khâu đào tạo không nghiêm túc đã để xảy ra các trường hợp người học có văn bằng, chứng chỉ hẳn hoi nhưng khả năng không tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tình trạng này xảy ra ở cả hệ chính quy chứ không chỉ riêng đối với hệ tại chức, từ xa hay chuyên tu; cho dù đào tạo chính quy bài bản nhưng nếu không nghiêm túc cũng dễ rơi vào tình trạng kém chất lượng và cần có sự kiểm tra, đánh giá đúng mức ở khâu đầu vào của người xin tuyển dụng…

Chính cái vòng luẩn quẩn trên đã làm cho bên sử dụng nhân lực-các địa phương, cơ quan, đơn vị và bên đào tạo (ngành giáo dục) chưa tìm được tiếng nói chung. Phải chăng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, khâu đào tạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong xu hướng tương lai? Nếu như vậy, bao giờ còn cảnh công việc chạy trước - đào tạo theo sau thì vẫn còn tình trạng “xét lại” đối với chất lượng đào tạo mà các loại hình đào tạo không chính quy chỉ là “cái cớ” để đổ dồn sự bức xúc. Do vậy, bên cạnh việc rà soát các quy định “nói không với tại chức” của một số địa phương sao cho không trái với quy định chung của pháp luật hiện hành, cũng cần xem đây không chỉ đơn thuần là một sự chối từ mà đó còn là động thái tích cực cho thấy nhu cầu của xã hội đối với các loại hình đào tạo, nhất là đào tạo không chính quy, đang có những yêu cầu mới cần có sự điều chỉnh, cải tổ cho phù hợp.

Q.MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=362
Quay lên trên