Không còn phù hợp thì phải sửa

Cập nhật: 24-06-2011 | 00:00:00

Thông tin đang được dư luận quan tâm là Bộ Tài chính đã trình, xin ý kiến và được Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý với đề xuất một số giải pháp cấp bách hỗ trợ người nộp thuế trong khi chờ đợi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, có 2 phương án sẽ được trình ra Chính phủ và Quốc hội trong vài ngày tới: Thứ nhất là miễn thuế TNCN đối với người làm công ăn lương không có người phụ thuộc và thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống, có 1 người phụ thuộc và thu nhập không quá 6,6 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc và thu nhập không quá 8,2 triệu đồng/tháng; phương án thứ hai là bỏ bậc 5% trong các bậc thuế TNCN hiện hành.

Trong 2 phương án trên, các chuyên gia đang nghiêng về phương án thứ nhất hơn. Theo đó, khoảng 250.000 người sẽ được thụ hưởng từ phương án này và số giảm thu ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này cũng không thấp hơn mức thu của năm 2010 bởi nếu vẫn áp dụng theo mức thu như hiện nay thì thuế TNCN trong năm 2011 sẽ tăng tới 23,7%.

Sau hơn 2 năm thực hiện Luật Thuế TNCN (năm 2008), điều không thể phủ nhận là theo mức lạm phát và đà trượt giá, mức chịu thuế TNCN đã ngày càng bộc lộ sự bất cập, làm cho các đối tượng nộp thuế chịu nhiều thiệt thòi. Có thể điển hình, vào thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực, giá thịt heo khoảng 60.000 đồng/kg nhưng nay đã lên tới trên 100.000 đồng/kg; giá vàng từ khoảng 15 triệu đồng/lượng nay lên đến hơn 38 triệu đồng/lượng... Điều đó cho thấy, giá cả đã qua nhiều lần thiết lập mặt bằng mới với mức tăng từ 40 - 150%, do vậy nếu vẫn giữ mức khởi điểm chịu thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay là không còn phù hợp.

Cách đây không lâu, trong khi dư luận đang dồn dập lên tiếng đề nghị sớm điều chỉnh mức chịu thuế TNCN cho phù hợp hình hình thực tế thì trả lời trên báo chí, một số cán bộ trong ban soạn thảo Luật TNCN vẫn giữ quan điểm rằng, không nên sửa đổi Luật Thuế TNCN trong lúc này với lý do: “Luật mới đi vào thực thi chưa được bao lâu”, “thuế TNCN chỉ đánh vào người thu nhập cao”... Những ý kiến trái chiều này được lý giải với nhiều nguyên nhân, tuy nhiên vẫn chưa thuyết phục được dư luận. Thứ nhất, theo thống kê của Bộ Tài chính mới đây, đối tượng chấp hành tốt nhất, đóng thuế TNCN “chăm chỉ” nhất nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất do thu nhập chưa cao vẫn là giới trung lưu. Điều này xem ra rất “hợp thực tế” bởi lâu nay các “đại gia” thường kiếm thu nhập cao nhưng cũng nổi tiếng là luồn lách, trốn thuế giỏi, như vậy người đóng thuế đầy đủ là người thu nhập trung bình vốn đã ít thu nhập lại chịu thiệt thòi hơn. Còn viện dẫn “Luật mới đi vào thực thi nên chưa cần sửa đổi ngay” lại càng không ổn. Bởi, luật xây dựng nên cũng là để công tác quản lý được thực thi tốt nhất, công bằng nhất, vì vậy không thể không gắn kết với thực tiễn, nếu chỉ cứng nhắc hoặc vì “tự ái” do luật mới ban hành mà bất chấp thực tiễn đang thay đổi thì rõ ràng luật sẽ thiếu tính khả thi, thiếu tính thuyết phục.

Dẫu sao, cũng rất mừng là sau nhiều ý kiến cùng và trái chiều, Bộ Tài chính vẫn kiên quyết bày tỏ lập trường phải chỉnh sửa mức thu nhập chịu thuế TNCN. Tìm cho ra được chỗ cần sửa là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn nữa là những người điều hành, quản lý Nhà nước đã cho thấy sự đồng cảm, thấu hiểu với dân.

* Q. MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=339
Quay lên trên