Không để “té nước theo mưa” tràn lan!

Cập nhật: 15-11-2010 | 00:00:00

Ra bãi giữ xe cạnh siêu thị, theo thông lệ, tôi đưa vé xe kèm theo 2.000 đồng. Chị giữ xe trợn mắt bảo: “4.000 đồng chú ơi”. Tôi thắc mắc: “Sao mới tuần rồi còn 2.000 đồng mà nay lại 4.000 đồng?”. “Giá cả leo thang quá, cái gì cũng tăng giá thì giá giữ xe phải tăng theo chứ. Ở đâu cũng vậy”. Không còn cách nào khác, tôi cũng như nhiều khách hàng khác phải trả gấp đôi số tiền như thông lệ cho một lần giữ xe đi siêu thị. Qua khảo sát, không chỉ tại siêu thị này mà nhiều điểm dịch vụ giữ xe khác ở Bình Dương cũng đang tăng giá theo.

Hiện tượng “té nước theo mưa” không phải là mới ở Việt Nam. Trải qua bao lần biến động giá, hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại làm cho người tiêu dùng phải lo ngại, giới quản lý cũng đau đầu tìm giải pháp. Những hàng hóa nhỏ nhặt như mớ rau, con cá cho đến quần áo, giày dép, máy móc... hầu như thứ gì cũng “nhân danh” giá xăng dầu, giá vàng, USD tăng để tăng theo, làm cho bao người thu nhập thấp phải điêu đứng. Nó tái đi tái lại đến mức thành thói quen, khi vào quán cơm, đi gửi xe, ra chợ... khi nghe người bán kêu ca điệp khúc tăng giá là hầu hết người tiêu dùng đều chấp nhận, xem đó như một việc bình thường, rồi lại chuyển sang than thở đồng lương thấp, không theo kịp diễn biến giá cả thị trường mà ít khi nào phân tích kỹ xem việc tăng giá đó có hợp lý, có đúng quy luật hay không.

Theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết giá cả tuân thủ theo nguyên tắc và diễn biến của quan hệ cung - cầu. Những năm qua, việc cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm về số lượng và thời gian, nhưng giá cả vẫn tăng. Vì thế, yếu tố tâm lý rất quan trọng, đây mới là nguyên nhân lớn đẩy giá cả nhiều mặt hàng lên cao. Do vậy, không nên cho rằng, các yếu tố “đầu vào” tăng sẽ dẫn đến tăng chỉ số giá ngay lập tức vì cần phải có hiệu ứng liên tục. Đó chính là thời gian để thị trường tự điều chỉnh cũng như cần đến sự điều hành của ngành chức năng. Trong đó, một trong những công cụ đắc lực để quản lý giá là lực lượng quản lý thị trường, ban quản lý các chợ... Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập ngay các đoàn kiểm việc tuân thủ giá cả, xem đây là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm giữ giá. Các đoàn này sẽ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tại doanh nghiệp và các điểm bán. Đồng thời, đoàn cũng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý giá đối với tất cả các loại hàng hóa. Ngoài ra, một thông tin cũng rất đáng quan tâm là kể từ 0 giờ ngày 13-11, Bộ Tài chính đã cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng mức sử dụng từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng. Điều đó đồng nghĩa với việc, trước mắt các doanh nghiệp không được phép tăng giá xăng, dầu và giới kinh doanh không thể lấy chuyện xăng, dầu tăng giá làm cớ để tăng giá theo. Do vậy, bên cạnh chính sách kinh tế vĩ mô và tuyên truyền để người mua, người bán nhận thức đúng, đủ về thị trường, nếu các lực lượng kiểm tra thị trường, quản lý giá cả phát huy hết vai trò, làm việc với trách nhiệm cao sẽ góp phần quan trọng chấn chỉnh tình trạng “té nước theo mưa” để cho hàng hóa thể hiện đúng giá trị thực của nó cũng như làm bình ổn thị trường, nhất là khi Tết dương lịch 2011 và Tết Nguyên đán Tân Mão đang cận kề.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên