Không để tình trạng “hai giá” lây lan

Cập nhật: 23-12-2010 | 00:00:00

Thông tin giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng làm người tiêu dùng (NTD) lo ngại, nhất là thời điểm cuối năm đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng theo. Năm nay, mặc dù Nhà nước đã triển khai khá mạnh mẽ chương trình bình ổn hàng hóa phục vụ dịp tết nhưng trên thực tế, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn “nhảy múa”, nhất là trên thị trường tự do.

Đối với ai thường xuyên đi chợ, hẳn không khó nhận ra thời điểm này đang xảy ra tình trạng “hai giá” khá phổ biến: Tại các điểm bình ổn giá (chủ yếu là siêu thị, trung tâm thương mại...) thì giá cả ổn định, thấp hơn giá thị trường bên ngoài nhưng số lượng, chủng loại một số mặt hàng được trợ giá còn hạn chế, ngược lại trên thị trường tự do thì hàng  hóa phong phú, dồi dào nhưng giá cả lại đắt hơn hẳn. Sự chênh lệch này đã làm NTD băn khoăn, lo ngại, nhất là với người có thu nhập thấp, người ít có điều kiện vào mua sắm tại các điểm bình ổn giá. Nguyên nhân của tình trạng “hai giá”, bên cạnh sự điều tiết, can thiệp của Nhà nước còn do đầu cơ. Lợi dụng chính sách hàng bình ổn giá của Nhà nước, nhiều tiểu thương bên ngoài đã nhanh chân mua hàng với số lượng nhiều để mang ra ngoài bán hưởng chênh lệch; điều này vừa tạo nên cơn sốt hàng ở các điểm bán hàng bình ổn, vừa góp phần làm bát nháo thị trường. Ngoài ra, chính tâm lý “tay xách nách mang”, ùn ùn đi mua hàng vì sợ tăng giá, khan hiếm hàng của một bộ phận không nhỏ NTD cũng làm cho việc phân phối hàng hóa trở nên bất ổn.

Thông tin được chú ý trong những ngày qua là lãnh đạo Bộ Công Thương tuyên bố sẽ kiên quyết không cho phép tăng giá xăng trong dịp tết sắp tới. Điều đó có nghĩa, áp lực tăng giá từ các mặt hàng có liên quan đến xăng cũng sẽ giảm bớt và giới kinh doanh cũng không thể lấy cớ xăng tăng giá để đẩy giá hàng hóa lên theo. Bên cạnh đó, chương trình bình ổn giá của Chính phủ đang được thực hiện nghiêm túc, lượng dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu còn dồi dào, chủ trương cho phép nhập khẩu bổ sung hàng chục ngàn tấn đường... đang tạo ra hiệu quả tích cực, giúp NTD phần nào yên tâm về hàng hóa phục vụ nhu cầu dịp tết sắp đến. Đây chính là sự khác biệt trong nền kinh tế ở nước ta: Vận hành theo cơ chế thị trường nhưng còn có sự định hướng của Nhà nước để bảo đảm phục vụ lợi ích chung của toàn dân.

Việc vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian qua đã được thực hiện tốt với các công cụ kiểm soát. Đây cũng là việc rất thường xuyên, ta đã có kinh nghiệm nhưng cần tiến hành mềm dẻo, linh hoạt hơn. Trong tình hình hiện nay, nhất là khi tình trạng “hai giá” xảy ra phổ biến thì việc để hàng bình ổn giá đặt cạnh hàng “tự do” quá lâu hoặc có độ chênh lệch quá lớn (hiện giá đã chênh lệch lên đến 15 - 30%) mà thiếu giải pháp căn cơ, kiểm soát chặt chẽ, ổn định ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến nhiều bất ổn. Việc trợ giá chỉ là nhất thời, do đó cần có sự điều tiết thị trường một cách tổng thể, hài hòa, lâu dài hơn nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng “té nước theo mưa”, nâng giá vô lý, tạo cơn sốt ảo, không chỉ trong dịp tết sắp đến mà còn cả thường kỳ trong năm.

V.C

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=227
Quay lên trên