Kỳ 2: Kiên quyết xử lý vi phạm
Sau 2 lần gia hạn và kéo dài 4 năm từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh quyết định ngưng hoạt động các lò gạch Hoffman từ ngày 30-6-2014. Tuy nhiên, các cơ sở (CS), doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman đã không thực hiện đúng cam kết, tháo niêm phong và trở lại hoạt động là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc tạo thuận lợi cho các CS, DN chấm dứt hoạt động, giải quyết những vấn đề liên quan đến người lao động tại các lò ngưng hoạt động, tỉnh Bình Dương sẽ xử lý nghiêm những CS, DN sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman cố tình kéo dài thời gian hoạt động.
Một lò gạch Hoffman chấp hành ngưng hoạt động của DNTN Minh Khánh 1 tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên Ảnh: T.MINH
Tạo thuận lợi cho CS, DN chấp hành
Có thể thấy, tỉnh luôn tạo thuận lợi để các CS, DN thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman. Trong thời gian tới, với CS, DN chấp hành, UBND tỉnh khuyến khích cho chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện về thủ tục pháp lý như xây dựng, đất đai để các CS, DN sớm ổn định và hoạt động trong môi trường mới. Đối với CS, DN chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung từ công nghệ Hoffman sang công nghệ Tuynel, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị tổng hợp đề xuất với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu cho tỉnh cho phép nhưng phải có kế hoạch đến năm 2020 phải chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch xây không nung, bảo đảm theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014.
Thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman, vấn đề lao động luôn được tỉnh quan tâm và giải quyết thấu đáo.
Tại cuộc họp về tình hình xử lý các lò gạch Hoffman mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho tỉnh chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong và ngoài độ tuổi làm việc tại các lò gạch Hoffman. Trước mắt, đối với công nhân có đóng bảo hiểm xã hội, UBND các huyện, thị hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; DN, CS nào không mua bảo hiểm xã hội cho công nhân thì giải quyết hỗ trợ thất nghiệp cho công nhân. Đối với công nhân trong độ tuổi lao động, UBND huyện, thị hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu vào các CS, công ty sản xuất trên địa bàn theo năng lực được đào tạo hoặc tay nghề có sẵn. Đối với công nhân ngoài độ tuổi lao động, UBND huyện, thị hướng dẫn, giới thiệu những nơi cần lao động phù hợp với độ tuổi hoặc tạo điều kiện để họ có thể về quê. Với những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, UBND huyện, thị cần vận dụng các chính sách xã hội để hỗ trợ tốt nhất.
Xử lý nghiêm vi phạm
Việc UBND tỉnh ban hành văn bản không cho xây dựng lò gạch Hoffman trên địa bàn từ năm 2010, đồng thời có lộ trình xử lý chấm dứt hoạt động các lò đốt truyền thống, các lò nung đốt Hoffman xây dựng trái phép, sai quy hoạch nhằm chấm dứt công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường là đúng với chủ trương của Trung ương và quy hoạch phát triển của địa phương. Vấn đề này đã được Bộ Xây dựng đồng tình ủng hộ và thống nhất. Trong thời gian tới, CS, DN xây dựng không phép, sai phép, không chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman, tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã xem xét mức độ và lĩnh vực vi phạm để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; củng cố văn bản pháp quy để xử lý hành chính và cưỡng chế đối với những trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm.
Theo Sở Xây dựng, hiện nay số lao động ở các CS, DN sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman tại tỉnh là 3.662 người, trong đó lao động trong độ tuổi là 3.362 người. Thời gian qua, với sự vào cuộc của các ngành và huyện, thị đã giải quyết việc làm khác cho 617 người, số lao động chưa giải quyết việc làm trong độ tuổi lao động là 2.745 người. Thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục thông báo đến từng CS, DN đăng ký về nhu cầu tìm việc làm và đào tạo nghề cho người lao động để có kế hoạch giới thiệu và mở các lớp đào tạo nghề cho họ. |
Xâu chuỗi lại sự việc cho thấy, sai phạm của các CS, DN sản xuất gạch Hoffman tại Bình Dương là quá rõ ràng và hiện nay không thể biện minh cho sai phạm này để lò gạch Hoffman kéo dài thời gian hoạt động. Những sai phạm của các CS, DN sản xuất gạch Hoffman đã được ngành chức năng chỉ rõ, lẽ ra phải bị xử phạt theo quy định và đình chỉ hoạt động, nhưng tỉnh vẫn cho tồn tại đến ngày 30-6-2014. Ông Trần Thanh Liêm cho rằng, việc UBND tỉnh gia hạn đến 4 năm là hướng giải quyết có lý có tình của tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho các CS, DN sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh có kế hoạch sản xuất hết nguồn nguyên liệu và thu hồi vốn đầu tư. Đến nay thời gian gia hạn đã hết, tỉnh kiên quyết xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Trong việc xử lý lò gạch Hoffman vi phạm, tỉnh đã thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số CS, DN có lò gạch Hoffman vì lợi ích riêng đã không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Trung ương và địa phương; cung cấp thông tin sai lệch cho các cơ quan báo chí; tuyên truyền xúi giục người lao động cùng tham gia vi phạm. Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông đã phản ánh tình hình xử lý lò Hoffman của tỉnh chưa đúng sự thật, gây ảnh hưởng không tốt trong quá trình quản lý điều hành của tỉnh. Dưới góc độ pháp luật, không thể lấy cớ viện dẫn vô lý, sai lệch để biện minh và bênh vực, tiếp tay cho sai phạm nhằm kéo dài hoạt động của các lò gạch Hoffman xây dựng trái phép tại Bình Dương.
VỆ GIANG