Không thể không chuyên nghiệp!

Cập nhật: 20-06-2011 | 00:00:00

Phát biểu tại Hội thảo Khoa học quốc gia về “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại - những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2011), ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Muốn có tính chuyên nghiệp trước hết phải có quan niệm đúng đắn về nghề. Bên cạnh đó, phải được đào tạo nghề căn bản, truyền nghề kỹ lưỡng, trách nhiệm từ thực tiễn của mỗi cơ quan, của các thế hệ nhà báo. Quan niệm về nghề một cách chuyên nghiệp, phải thấy rõ được ảnh hưởng của nghề báo đối với xã hội, tác động tới tư tưởng, tình cảm, hành động của con người, tới đông đảo công chúng, từ đó để có nhận thức đúng. Phải vươn tới phụng sự con người, tôn vinh phẩm giá con người. Ở bình diện lớn hơn là phụng sự công bằng, tiến bộ của xã hội mỗi khi đặt bút viết, mỗi khi đặt bút ký duyệt một bản tin, phát sóng một chương trình. Mỗi nhà báo cần trang bị kiến thức sâu rộng, chấp nhận dấn thân, hòa mình vào thực tiễn cuộc sống, mới có thể tạo ra những tác phẩm lay động lòng người, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Đến với nghề bắt nguồn từ lòng đam mê, từ năng khiếu, từ nỗ lực, bản lĩnh và từ nền tảng đào tạo cơ bản thường thành công hơn những người nằm ngoài mục đích đó và có lẽ đó cũng là lẽ tất yếu, ít nhất là trong nghề báo. Chuyên nghiệp bắt đầu từ trong quan điểm, cách nghĩ và đến cách làm thì hiệu quả, năng suất sẽ rõ ràng và không dẫn đến tình trạng ngộ nhận về nghề. Thực trạng hiện nay ở nhiều cơ quan báo chí là “thừa nhưng thiếu”! “Thừa” là thừa những nhà báo xoàng và “thiếu” là thiếu những nhà báo giỏi, có  tâm, có tầm... vì thế, thiếu những tác phẩm lay động lòng người, đó cũng là thiếu chuyên nghiệp. Một môi trường chuyên nghiệp sẽ nuôi dưỡng được những nhà báo chuyên nghiệp và ngược lại.

Nói như nhà báo Hữu Thọ, tính chuyên nghiệp nhất của nhà báo là phải thể hiện được trách nhiệm công dân đối với sản phẩm mà mình làm ra. Người làm báo chuyên nghiệp Việt Nam là phải rèn luyện tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đối với nhà báo, mối quan hệ với bạn đọc là quan trọng nhất, báo chí là sản phẩm có tác động mạnh vào tâm lý xã hội, tạo hiệu ứng lớn, cho nên nhà báo phải có trách nhiệm với từng câu, từng chữ của mình. Người làm báo chuyên nghiệp là người đáng kính trọng, không bao giờ né tránh khó khăn vất vả, thậm chí nguy hiểm vì sự nghiệp cao cả là hướng tới sự thật để thông tin cho mọi người và vì lẽ đấu tranh cho công bằng của cuộc sống. Nhiều nhà báo bằng cấp thì cao nhưng kiến thức xã hội thiếu sâu sắc, những cái đó thể hiện tính không chuyên nghiệp của nhà báo.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), mỗi người làm báo cần suy tư, trăn trở và tự hỏi với lòng mình: mình đã chuyên nghiệp chưa? Trăn trở nhiều sẽ tìm hiểu nhiều, nghiên cứu nhiều, dấn thân nhiều... Âu, đó cũng là một cách để tự chuyên nghiệp mình!

 

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên