Bót Cầu Định là một trong những di tích lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân vùng đất Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với những giá trị lịch sử của mình, bót Cầu Định đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2004.
Một hoạt động về nguồn của tuổi trẻ Bình Dương tại di tích bót Cầu Định
Dấu xưa còn đó
Đi dọc theo quốc lộ 13 hướng từ TP.Thủ Dầu Một đi TX.Bến Cát, qua khỏi trụ sở UBND phường Tân Định, TX.Bến Cát tầm vài chục mét, nhìn phía bên trái chúng ta sẽ thấy con đường đất nhỏ. Chạy vào con đường ấy một đoạn không xa, ngay khi vừa qua khỏi Trạm Y tế phường, chúng ta sẽ thấy tấm bảng đề dòng chữ: “Khu di tích bót Cầu Định”. Khu di tích bót Cầu Định khá đơn sơ nhưng với người dân TX.Bến Cát nói riêng, người dân Bình Dương nói chung, đây là nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử thiêng liêng, gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng bảo vệ quê hương của ông cha ta.
Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh, bót Cầu Định do thực dân Pháp xây dựng vào tháng 4-1946. Đây được xem là một trong những bót điển hình, có vị trí quan trọng chốt chặn trên quốc lộ 13 và cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Bót nằm trên một gò cao khoảng 10m (so với quốc lộ 13) phía dưới có giao thông hào sâu khoảng 2m bao quanh gò. Trên đỉnh gò có 3 lô cốt cao ở ba góc (hình tam giác), có 12 ụ quan sát và chiến đấu (mỗi lô cốt có 4 ụ quan sát), dưới gò có 4 ụ kẽm gai được gài mìn bảo vệ xung quanh. Sau khi xây dựng bót Cầu Định, thực dân Pháp đưa quân càn quét hai bên quốc lộ 13, lộ 2 bắn chết trâu bò, bắt người mang đi xử bắn rồi thả trôi ở cầu Ông Cộ, nhiều người bị chúng đánh đập rất dã man...
Trước tình hình đó, ngày 30-4-1947 xã Tân Định (nay là phường Tân Định) đã tổ chức họp dân quân chính ở đình Cầu Định và đề ra nghị quyết tập trung củng cố lại các tổ chức, chuẩn bị các đoàn thể, mặt trận, Ủy ban kháng chiến xã, hình thành 1 tiểu đội tự vệ xã, ở mỗi ấp cũng có 1 tiểu đội, 2 - 3 trung đội dân quân. Các đội tự vệ có nhiệm vụ tổ chức canh gác, quấy rối địch, đưa phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh hơn.
Chiến công còn vang
Năm 1951, thực dân Pháp đưa một đại đội lính Âu Phi về đóng giữ ở bót Cầu Định. Chúng tập trung gom dân, buộc dân chúng phải đi khai lý lịch xin “giấy thông hành” nhằm mục đích kiểm soát dân ta. Đầu năm 1952, chúng đổi và đưa về bót Cầu Định một đại đội Com-măng-đô do Trung úy Hằng chỉ huy. Bọn này rất hiếu chiến, chúng tổ chức đánh phá liên tục ở Cầu Định, Bưng Đĩa. Biết được tình hình của địch, các đồng chí Hai Phê, Tư Búp, Năm Bôn đem mìn, lựu đạn đánh xe ủi, xe cạp đất, gài trái đánh tiêu hao địch tại bót, đưa du kích đánh phá mạnh trên quốc lộ 13, lộ 2 vào sát đồn địch.
Bước vào Đông Xuân năm 1953-1954, địch tăng cường đánh phá vùng kháng chiến bằng biệt kích của tiểu khu và chi khu. Đồng thời, địch có chủ trương ngăn chặn, đánh phá đường vận chuyển của kháng chiến thường đi qua các xã Thới Hòa, Tân Định để về các căn cứ lõm của các xã và căn cứ quận. Để thực hiện âm mưu này, thực dân Pháp lập đại đội 752 trực thuộc tiểu khu gồm đa số là những người ra đầu hàng chúng. Đại đội có 147 tên, do tên Một Dõng làm đại đội trưởng, đưa về đóng ở bót Cầu Định. Sau khi về đóng giữ ở bót Cầu Định, tên Một Dõng xây dựng lại bót rất kiên cố. Để đối phó với cách đánh “đặc công” bằng bộc phá của ta, chúng củng cố 5 hàng rào, hào chông, bề thành lô cốt làm bằng bê tông cốt sắt, dày từ 0,6 - 1,2m.
Trước tình hình này, chính quyền cách mạng của ta lên kế hoạch đánh bót Cầu Định, do Tỉnh ủy Thủ Biên trực tiếp chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ huy để thống nhất chỉ huy trận đánh. Sau gần một tháng nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường, Đại đội 65, Tiểu đoàn 303 phối hợp với 2 đại đội địa phương huyện Bến Cát, Châu Thành dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Tạ Minh Khâm và chính trị viên Nguyễn Như Phong (Huyện đội trưởng Châu Thành) quyết tâm tiêu diệt bót Cầu Định.
Đêm 31-5, rạng sáng ngày 1-6-1954, Đại đội 65, Tiểu đoàn 303 của ta tấn công vào mở cửa, một tiểu đội trinh sát đặc công do đồng chí Ngô Chí Quốc chỉ đạo tấn công ở phía Đông mở cửa cho xung kích vào trung tâm. Khi đánh vào hàng rào thứ ba thì bộc phá hết, nhưng vẫn còn vướng 2 khung hàng rào mái nhà. Đồng chí Ngô Chí Quốc liền bò lên dùng kéo cắt một đầu hàng rào rồi nhanh nhẹn xông lên kéo tung hàng rào cho bộ đội ta tiến vào. Lúc này, địch bắn mạnh mở đường ra, đồng chí Ngô Chí Quốc bị thương nặng nên ngã xuống, nhưng xung kích vẫn chưa vào được trong bót.
Trước hỏa lực ác liệt của địch, đồng chí Ngô Chí Quốc giao súng cho người khác rồi lăn ra, chệch qua hướng khác rồi hô lớn “xung phong”. Quân địch tưởng ta chuyển hướng nên tập trung bắn hỏa lực về phía có tiếng hô lớn. Đồng chí Ngô Chí Quốc đã anh dũng hy sinh, nhưng quân ta đã tiến vào tấn công bót Cầu Định. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta đã tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí. Ta tiêu diệt được bót Cầu Định, xóa sổ đại đội Com-măng-đô 752 hung hãn khét tiếng trong vùng.
Bót Cầu Định không chỉ là nơi ghi lại tội ác của thực dân Pháp, mà còn là một di tích lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân TX.Bến Cát nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để phát huy giá trị di tích bót Cầu Định, trong thời gian qua, TX.Bến Cát cũng đã đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo hàng rào, bia tưởng niệm tại bót Cầu Định. Trong thời gian qua, di tích đã trở một “địa chỉ đỏ” ý nghĩa để các thế hệ trẻ về nguồn, sinh hoạt truyền thống tại đây.
Với trận đánh bót Cầu Định, Tiểu đoàn 303 - tỉnh Thủ Biên cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện, xã đã góp một chiến thắng oanh liệt vào trang sử vẻ vang của miền Đông Nam bộ. Chiến thắng bót Cầu Định đã khẳng định sức mạnh quân sự của quân và dân ta góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. |
HỒNG THUẬN