Một góc Khu du lịch sinh thái Vĩnh Lộc
Một góc Khu du lịch sinh thái Vĩnh LộcAi ngờ câu cá giải trí như ông lại xây được nhà. Chỉ trong vòng 2 tháng 5 ngày câu cá liên tiếp, ông đã xây được nhà của mình, bây giờ nhớ lại, chính ông cũng không hiểu nổi mình có duyên câu cá thế nào. Ông kể: “Người ta cũng câu, tôi cũng câu, nhưng cần câu tôi cá đớp lia lịa. Anh biết rồi đó, mỗi ngày mà câu trên dưới 100 con cá lóc là vô cùng khó khăn, tôi nghĩ mình khó làm được nhưng tôi đã thực hiện tốt. Ngày qua ngày trong hơn 2 tháng trời, tôi ngủ cũng mơ thấy cá. Chính vì vậy mà cá đến với tôi”. Mở ao câu cá giải trí cho thỏa lòng Chính từ thành công ban đầu của mình với cái nghề sông nước, sóng biển nên năm 1999, ông đã quyết mua mảnh đất tại xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết), một vùng đất hoang sơ, ít ai biết đến. Lúc đầu, ông mua đất chủ yếu là làm vườn, đào ao thả cá để có cái nơi câu cá cho thỏa lòng đam mê. Nào ngờ, sau đó, ông thấy khu đất của mình có điều kiện thích hợp với du lịch cộng đồng nên ông vừa trồng cây, vừa đào ao nuôi cá. Đối tượng chính của ông lúc đó chủ yếu là phục vụ học sinh, sinh viên câu cá giải trí. Ông trả lời dứt khoát: “Mục đích chính của tôi lúc đó là làm vườn thoáng mát và đào vài cái ao cho học sinh, sinh viên vào vui chơi giải trí, tạo sân chơi cho các bạn trẻ là chính. Thời đó, khách du lịch ai mà biết đến khu Nam Phan Thiết, chủ yếu du khách đi du lịch ở Mũi Né, các khu du lịch sang trọng khác của Bình Thuận. Còn khách đến với tôi lúc đó chỉ là học sinh, sinh viên và người dân lân cận, bởi tôi phục vụ với giá cả bình dân”. Có ao nuôi cá, có chỗ hoang dã nghỉ chân, hàng ngày ông đã hòa mình cùng bà con lối xóm và cả những bạn học sinh, sinh viên thân quen để cùng thưởng ngoạn cuộc sống hòa lẫn với thiên nhiên. Do vậy, nhiều học sinh ở khu vực này coi ông như là người bạn, giúp họ câu cá sao cho hiệu quả. Ông kể, có lần ông đã thách đấu một vài bạn thanh niên. Nếu ông câu 3 con cá, các bạn câu 1 con cá là các bạn thắng, nhưng không ai thắng ông được, bây giờ nghĩ lại, ông cứ cười khúc khích... Phát triển khu du lịch cộng đồng Hôm tham quan tại Khu du lịch sinh thái Vĩnh Lộc - nơi ông làm chủ, chính chúng tôi cũng không ngờ về ông chủ hòa đồng, giản dị đến vậy. Việc gì ông cũng làm, câu cá, nấu ăn, tiếp khách, thậm chí ra biển bắt còng, bắt dế biển… về có cái nấu ăn cho du khách. Cuộc sống ông đã hòa lẫn với thiên nhiên nên ông rất hiểu về biển, về tình người khu vực biển, hiểu được giá trị của sự thanh thản, bình yên. Chính vì vậy, đến nay ông đã xây dựng được một khu du lịch thật sự vì cộng đồng trên bãi biển nguyên sơ. Một không gian yên tĩnh nép mình dưới hàng phi lao xanh mượt, sóng biển dạt dào đã làm cho chúng tôi và nhiều du khách khác sảng khoái lạ thường. Nói về ý tưởng làm du lịch cộng đồng, ông bộc bạch: “Sau khi làm vườn, đào ao nuôi cá, đến khoảng năm 2004, tỉnh Bình Thuận cho phép quy hoạch khu Nam Phan Thiết xây dựng du lịch sinh thái, thế là tôi bắt tay vào đầu tư, vừa làm vừa phục vụ du khách. Năm 2005, khu du lịch chính thức đi vào hoạt động theo tôn chỉ du lịch cộng đồng, phục vụ theo phong cách dân dã, cùng câu cá, cùng nấu, cùng ăn với du khách”. Tiếng lành đồn xa, bây giờ khu du lịch của ông không chỉ thu hút nhiều du khách trong nước mà ngày chúng tôi đến còn có cả những đoàn khách nước ngoài. Chia tay ông, chia tay với khu du lịch thơ mộng này nhưng tôi vẫn cứ muốn trở lại trong một ngày gần nhất. Ông nói, khi nào bị cuộc sống ồn ào nơi phố thị “bủa vây” thì hãy trở lại với nơi này để tận hưởng không khí trong lành, quyến rũ của thiên nhiên, thả hồn trong không gian yên tĩnh. “Lần sau, khi biển lặng, tôi sẽ chỉ cho bạn cách bắt còng, câu cá biển. Hãy nhớ ghé lại nhé …”, ông nói với theo như lời chào tạm biệt. Khu du lịch sinh thái Vĩnh Lộc có 22 phòng nghỉ, trong đó có 14 phòng máy lạnh. Ba nhà hàng với các món ăn đặc sản Bình Thuận. Địa điểm sinh hoạt có sức chứa 400 người. Nơi đây sẽ mang đến cho bạn một kỳ nghỉ thoải mái từ cơ sở vật chất đến phong cách phục vụ tận tình, chu đáo với giá cả bình dân, hợp lý. HỒ VĂN