Kiềm chế lạm phát, bình ổn giá: Phải nỗ lực từ nhiều phía

Cập nhật: 01-08-2011 | 00:00:00

 Ngoài những việc hệ trọng của đất nước đã được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII đưa ra bàn thảo, xem xét và quyết định thì việc Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn đề xuất miễn giảm thuế của Chính phủ được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Một trong những lý do quan trọng khiến Chính phủ đưa ra đề xuất này là tình trạng lạm phát gay gắt đã và đang ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của nhiều người dân, đặc biệt là hàng triệu người làm công ăn lương. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,17% so với tháng trước. Như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tháng 7 lại gia tăng sau 2 tháng trước đó giảm tốc. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 14,6% và theo nhận định của Chính phủ mặt bằng giá cả, lãi suất như hiện nay vẫn rất cao, trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế.

Một dấu hiệu dễ thấy là mặt bằng giá thực phẩm mới đã hình thành với nhiều mặt hàng tăng giá tới 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Không thể phủ nhận những nguyên nhân khách quan đến từ thị trường thế giới - hệ quả tất yếu của thời kỳ hội nhập, mở cửa kinh tế thị trường. Một thực trạng đang diễn ra đáng chú ý, đó là nông sản của ta bị thương nhân nước ngoài ồ ạt thu gom thời gian gần đây được nhiều người lo ngại có thể khiến thiếu hụt nguồn hàng cho tiêu thụ trong nước cũng như phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy giá lên cao và tác động bất lợi tới khả năng kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, tồn tại một thực tế đáng buồn là lâu nay các doanh nghiệp của ta không tổ chức công tác thu mua tốt được như thương nhân nước ngoài, cả về giá cả lẫn điều kiện mua hàng.

Đầu tháng 7 này, giá cả thị trường lại đang diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho đời sống xã hội. Nhận thấy nguy cơ của đợt tăng giá lương thực, thực phẩm lần này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm soát lạm phát tăng cao trở lại. Yêu cầu của Thủ tướng là phải theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời ban hành chính sách thuế phù hợp và có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống.

Hiệu quả của việc tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, “đẩy” giá, “thổi” giá tùy tiện... sẽ tùy thuộc vào nỗ lực của các địa phương, bộ ngành. Vì địa phương là đơn vị cơ sở có trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội nhất là vào trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=294
Quay lên trên