Kiểm soát thu nhập, tài sản đến đâu?

Cập nhật: 16-09-2013 | 00:00:00

Thời gian gần đây, người dân cả nước quan tâm nhiều việc phát hiện và xử lý kỷ luật vụ lương “khủng” của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.Hồ Chí Minh. Một lần nữa dư luận lại đặt vấn đề, chúng ta có cả bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống dưới, nhưng tại sao vẫn để những vụ việc như trên xảy ra mà không phát hiện sớm? Và làm thế nào kiểm soát được thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức nhất là những người có chức vụ, quyền hạn?

Cách đây 5 năm, việc kê khai, công khai để quản lý thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức được quy định tại Nghị định 37/NĐ-CP và sau đó được bổ sung bằng Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn nặng hình thức; các quy định hiện hành còn nhiều kẽ hở, việc kê khai thu nhập, tài sản vẫn chưa được công khai đầy đủ như quy định…

Từ vụ việc tại TP.Hồ Chí Minh, mới đây, ngày 10-9 Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1436 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thời gian từ năm 2010 đến 2012. Đồng thời thực hiện rà soát lại các chính sách hiện hành của Nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công ích, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức lao động trong việc lập dự toán đối với các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các DNNN thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trường hợp phát hiện sai phạm thì phải chấn chỉnh và xử lý theo đúng quy định. Và TP.Hồ Chí Minh là địa phương có động thái thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất. Mới đây UBND TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các sở ngành thành phố, tất cả công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, yêu cầu thực hiện hàng loạt biện pháp tăng cường quản lý, trong đó có nhiều công ty công ích.

Về thu nhập, chúng ta không khuyến khích sự cào bằng mà phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những người có cống hiến cao, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài trả lương cao đối với người lao động. Song việc một số doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước lại trả lương cao ngất trong khi sản xuất, kinh doanh thua lỗ “ngút trời” là trái với đạo lý tiền lương. Không những thế, đây cũng chứng tỏ sự quản lý yếu kém của các cơ quan Nhà nước với vai trò quản lý, kiểm soát thu nhập, tài sản và thực hiện chính sách công bằng xã hội.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên