Kỳ 2: Chuyển đổi mô hình phát triển
(BDO) Sau hơn 25 xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, thành công trong tương lai không phải là đường nối dài của quá khứ, Bình Dương đang gặp phải thách thức đến từ bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, thời gian tới Bình Dương cần phải tiếp tục là một điểm sáng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bứt phá khỏi quỹ đạo phát triển kinh tế trong quá khứ của mình để vươn lên một tầm cao mới.
Nâng cao tỷ trọng dịch vụ
Việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp đóng vai trò rất quan trọng đối với Bình Dương. Tỉnh cần tìm kiếm một mô hình mới, tổng thể và toàn diện hơn, không chỉ phát triển công nghiệp đơn lẻ mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị…
Tỉnh đã đổi mới chiến lược phát triển, từ trải chiếu hoa đến “không đi một mình” thông qua việc phát triển khu công nghiệp (KCN).
Trong đó, hình thành Công ty Liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) giữa doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu của Bình Dương và đối tác Singapore đã trở thành mô hình chuẩn về phát triển KCN xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Sau hơn 25 năm phát triển, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh chiếm gần 2/3 trong GRDP.
Cùng với việc phát triển khu công nghiệp, Bình Dương chú trọng dành quỹ đất xây dựng khu dân cư để phát triển thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Khu dân cư phường Thới Hòa, TX.Bến Cát kết nối với Khu công nghiệp Mỹ Phước 3. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tuy vậy, khu vực thương mại - dịch vụ của tỉnh tăng trưởng chậm.
Nếu xét về tỷ trọng giá trị công nghiệp trong cơ cấu GRDP, Bình Dương là tỉnh công nghiệp, nhưng xét về tổng thể của quá trình công nghiệp hóa phát triển theo hướng hiện đại, sự phát triển nhanh của Bình Dương đang mất cân đối giữa 2 khu vực chính: công nghiệp và dịch vụ, thương mại.
"Tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh cần chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần 3/4 nền kinh tế của tỉnh. Bình Dương cần tiếp tục xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực; tiếp tục có bước chuyển căn bản từ số lượng sang chất lượng bền vững; tận dụng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi một cách bền vững giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân”. (GS-TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) |
Theo GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tỷ trọng dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương không thay đổi trong 25 năm qua, ở mức trên dưới 25%.
Với các nền kinh tế có mức thu nhập cao, tỷ trọng dịch vụ sẽ đóng vai trò quan trọng, ít nhất không kém công nghiệp.
Trong khi đó, tăng trưởng công nghiệp lại chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong ngắn hạn, điều này vẫn có thể làm cho kinh tế Bình Dương tăng trưởng nhưng trong trung và dài hạn, khả năng đầu tư nước ngoài tăng mãi là không khả thi.
Vì vậy, cần có hướng tiếp cận vốn trong nước; đồng thời, công nghiệp đã chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP Bình Dương nên không thể tăng lên hơn nữa.
Bên cạnh đó, để có thể phát triển bền vững cho các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, dịch vụ cần có tỷ lệ đúng mức của nó.
Trong tương lai đòi hỏi Bình Dương phải cơ cấu lại các ngành công nghiệp trong các KCN, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và gắn việc cơ cấu lại các KCN với phát triển đô thị. Đây cũng chính là động lực để tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ.
“Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, đưa dịch vụ thành ngành chính, trong đó chú trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đây thực sự sẽ là lần chuyển đổi mô hình tiếp theo của Bình Dương trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp cần tiến hành đồng bộ việc điều chỉnh mô hình như giai đoạn Bình Dương thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp”, GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ.
Công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực
Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế Bình Dương đang có dấu hiệu chững lại, việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.
Theo GS-TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt cho các địa phương có tiềm năng và cơ hội phát triển như Bình Dương.
Trước bối cảnh mới cần có sự đột phá để chuyển sang giai đoạn kinh tế số và công nghệ cao thay cho mô hình công nghiệp thâm dụng lao động như trong thời gian qua.
Để phát triển bền vững, Bình Dương đang tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại
Ba động lực tăng trưởng chính của một nền kinh tế bao gồm vốn, con người và công nghệ.
Với việc đã thu hút rất nhiều vốn đầu tư, đặc biệt là FDI cũng như việc bùng nổ số lượng lao động nhập cư trên địa bàn, công nghệ có thể xem là hướng đi tất yếu của Bình Dương trong tương lai.
Trong giai đoạn tới, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của tỉnh phải cao hơn giai đoạn vừa qua là một thách thức rất lớn.
Bình Dương đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế hiện đại, chất lượng và bền vững.
Lãnh đạo tỉnh xác định, địa phương là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa- Chính quyền năng động kiến tạo”.
(còn tiếp)
NGỌC THANH