Ký ức của Bác sĩ Trương Trung Nghĩa trong ngày 30-4-1975: Chuyện bây giờ mới kể

Cập nhật: 30-04-2020 | 09:35:27

Tròn 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng không khí ngày non sông thu về một mối vẫn còn như in đậm trong hồi ức của bác sĩ Trương Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé.

Bức ảnh vợ chồng bác sĩ Trương Trung Nghĩa chụp năm 1975 ở R

Các cựu sinh viên khóa I, trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh trong buổi họp mặt tại Bình Dương năm 2019

 Trận đánh cuối cùng

Tiếp chúng tôi trong thời khắc của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, bác sĩ Trương Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé, nói: “Vui lắm, quên sao được. Ngày ấy, cả nước hừng hực khí thế, niềm vui vỡ òa”. Trên nét mặt ông hiện rõ niềm vui, xúc động, miền ký ức của ngày 30-4-1975 lại trở về. Ông kể, đầu năm 1975, khi đang đi học lớp bác sĩ dân y miền Nam, ông được lãnh đạo Công an Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là R) gọi về để chuẩn bị đi vào chiến trường Khu Sài Gòn - Gia Định. Ngày 22-4-1975, ông nhận lệnh chuẩn bị lên đường đi tiếp quản Khu Sài Gòn - Gia Định. Tuy nhiên, đến ngày 26-4- 1975, ông lại nhận được lệnh đi Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Sài Gòn. Ông bảo, trong suy nghĩ lúc này, trận đánh cuối cùng chắc cam go lắm, sẽ hy sinh nhiều người lắm đây nhưng ông không hề nao lòng. Với ông, được tham gia trận đánh cuối cùng này là cả niềm vinh dựtự hào.

Ở yên chờ lệnh, đến 3 giờsáng ngày 30-4-1975, tất cả các cơ quan Trung ương Cục miền Nam được lệnh xuống đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sài Gòn. Đoàn xe Trung ương cục Miền Nam, gồm: Công an vũ trang, Cục Chính trị quân đội, Ban Tuyên huấn, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Ban Binh vận, Ban Dân y và cả khối vận như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... đều tham gia. Cả đoàn xe khoảng 400 chiếc tập trung tại ngã ba Đồng Pal, gần khu vực núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Cứ cách nhau 15m/chiếc, đoàn xe đậu dài cả 2km. Đúng 4 giờ sáng, đoàn xe bắt đầu xuất phát, đến huyện Trảng Cỏ (tỉnh Tây Ninh) lúc 9 giờ 30 phút, cả đoàn dừng lại chờ lệnh.

Đúng 11 giờ, liên lạc ở Sài Gòn ra hướng dẫn đoàn xe vào bên trong nội ô. Lúc này, trên xe mọi người lấy cơm vắt ra ăn với muối. Đúng 11 giờ 30 phút, đoàn xe nhận được tin của Trung ương Cục, bọn ngụy đã đầu hàng. Bình thường từ đây vào nội ô Sài Gòn chỉ tầm 60 phút nhưng hôm nay, người dân tràn ra đường reo hò mừng chiến thắng và mừng đoàn quân giải phóng về tiếp quản thành phố. Vì vậy, xe chạy rất chậm, chẳng khác gì đi bộ. Chỉ cách nội ô vài cây số mà phải chạy 3 - 4 giờ mới tới.

Đêm đó, đoàn được lệnh vào tạm nghỉ tại trường Đại học Bách khoa Sài Gòn. Tất cả các đoàn được phát băng Ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Đoàn công an tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ngụy. Đoàn quân đội tiếp quản BộTham mưu ngụy. Đoàn Dân y tiếp quản các bệnh viện Chợ Rẫy, Vì Dân (nay là Bệnh viện Bình Dân), Chợ Quán, Từ Dũ...

Nhớ lại những hình ảnh của ngày 30-4 năm ấy, bác sĩ Trương Trung Nghĩa nói: “Với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, từ lúc có lệnh xuống đường, đến khi vào Sài Gòn, cả đoàn không ai ngủ được. Bởi đã bao nhiêu năm, ai cũng vui mừng, háo hức chờ đợi giây phút này”. Và với bác sĩ Trương Trung Nghĩa, đây còn là một kỷ niệm khó phai, bởi đội của ông đã kịp thời cứu thương cho thương binh trong giờ khắc thiêng liêng này. Đúng 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, ông cùng 2 bác sĩ khác đi tiếp quản bệnh viện cảnh sát ngụy do một bác sĩtên làMân làm giám đốc. Ngày đó, ngoài bàn giao con người, thuốc men, tài sản, còn có rất nhiều súng ống. Trước sự ngạc nhiên của ông, bác sĩ Mân bèn nói: “Tổng nha Cảnh sát chỉ đạo đội ngũ y, bác sĩ ở đây phải chống lại tiểu đoàn quân giải phóng. Rất vui là đã không phải dùng đến số súng ống này…”.

Một thời hoa lửa

“...Anh lính trẻ trên võng dù đẫm máu/ Chắc vì đau nên nằm lặng lẽ mê man/ Hãy gắng lên về trạm phẫu tiểu đoàn/ Rồi bác sĩ chữa cho anh lành lặn.../ Ngày mai anh lại lên đường ra trận/ Giải phóng quê hương, diệt hết giặc thù/ Để bầu trời rạng rỡ nắng mùa thu/ Cho đất nước giang sơn liền một dải” cũng chính là hình ảnh của bác sĩ Trương Trung Nghĩa trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1958, tròn 14 tuổi, ông đã được đưa đi Sài Gòn làm quân báo. Nhiệm vụ lúc bấy giờ là giao liên, đưa thư từ mật cho khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Đầu năm 1960, ông về quê ở xã An Điền, huyện Bến Cát để theo thầy Sáu Vui, Chín Ngót học cứu thương. Vừa trở về, ông được theo phục vụ cho trận đánh Tua Hai ở Tây Ninh. Bước sang năm 1961, ông vào Công an tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, năm 1963, ông được điều về Trung ương Cục (R), làm nhiệm vụ phục vụ y tế tại trường Điệp Báo (hay còn có tên trường Trinh Sát, trường Vũ Thuật), rồi phục vụ đường dây đặc biệt của Công an R, từ R đến Khu Sài Gòn - Gia Định.

Chiến trường ác liệt, người lính quân y như ông cũng nếm trải biết bao hiểm nguy. Bác sĩ Trương Trung Nghĩa, kể: “Cuối năm 1967, tôi đi học y sĩ ở Ban Quân y R. Để chuẩn bị cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Ban Quân y Đoàn 100 được thành lập và chia ra nhiều Đội giải phẫu tiền phương. Tôi cùng đồng chí Công, Châu được phân công trực tiếp cấp cứu tại mặt trận của Sư đoàn 9 đánh vào Sài Gòn (cánh nam tỉnh Long An). Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân nổ ra, lần đầu tiên tôi chứng kiến, đội phẫu có3 người thì 1 người chết, 1 người bị thương trước mặt mình. Chiến trường năm đó thương binh quá nhiều. Ban ngày, anh em chia ê-kíp mổ cho thương binh, ban đêm thì khiêng các đồng chí hy sinh về bên sông Vàm Cỏ Đông chôn cất...”.

Đến năm 1970, bác sĩ Trương Trung Nghĩa về nhận nhiệm vụ làm trợ lý điều trị và phòng bệnh cho Phòng Y tế Công an R mới thành lập. Chưa được bao lâu, năm 1971, trận càn Đông Dương của Mỹ - ngụy nổ ra (còn gọi là trận càn Lam Sơn 719 đánh thẳng qua Lào, Campuchia), bệnh xá và đội phẫu của Ban An ninh R bị trực thăng địch phát hiện, đánh thẳng vào trạm xá, 4 người hy sinh và 10 người bị thương rất nặng. May mắn thoát chết, ông cùng các y tá khác chạy lo cấp cứu cho thương binh dưới làn đạn, pháo cối của địch. Ngày hôm sau, trên đường hành quân, trạm xá và đội phẫu cũng bị trực thăng đánh tiếp, ác liệt không kém, nhưng nhờ có hầm của đơn vị cũ nên thương binh và nhân viên trú ẩn an toàn. Chiến trường Phân khu 5 ác liệt, tàn khốc, đau thương bao trùm bởi Mỹ - ngụy rải thảm B52, pháo bầy, biệt kích bao vây căn cứ để chia cắt Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam. Tuy nhiên, bất chấp mưa bom, bão đạn của địch, ông cũng như các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn giữ vững khí thế tiến công cách mạng, chiến đấu đến cùng; không có gạo thìăn củ mài, củ chụp, lá rừng... để sống và chiến đấu…

Hòa bình lập lại, bác sĩ Trương Trung Nghĩa trở lại học bác sĩ ở trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh (khóa đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng). Từng trải qua những năm tháng ác liệt của cuộc chiến, bác sĩ Trương Trung Nghĩa luôn tự hào rằng ông đã giữ được y đức, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Lương y như từ mẫu”...

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết
Tags
30-4-1975

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên