Kỳ vĩ Đôn Hoàng

Cập nhật: 23-11-2009 | 00:00:00

         Dãy hang động Mạc Cao phía nam

Mới đầu tháng, tôi đi Thẩm Dương, tức lên vùng Đông Bắc của Trung Quốc; cuối tháng lại đến Đôn Hoàng, vùng đất phía Tây Bắc, điểm đầu của Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng.

Những hang động ở Mạc Cao, Đôn Hoàng là một trong số di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Trung Quốc được UNESCO công nhận từ năm 1987. Có rất nhiều thông tin về hệ thống hang động này nhưng có đến tận nơi bạn mới cảm nhận hết vẻ kỳ vĩ của di sản văn hóa Đôn Hoàng.

Từ thời Hán, khi kinh đô Trung Quốc còn đóng ở Lạc Dương (nay thuộc Tây An, tỉnh Thiểm Tây), người Trung Quốc đã mở một con đường thương mại dài hơn chục ngàn cây số xuyên qua vùng tây bắc từ Tây An đến Đôn Hoàng qua vùng Trung Á, rồi sang tận La Mã. Đôn Hoàng vốn có vị trí rất đặc biệt: Phía đông giáp Trung Nguyên, phía tây giáp Tân Cương nên khi ấy là yết hầu của con đường thương mại (hay Con Đường Tơ Lụa). Xưa kia, Đôn Hoàng do các bộ tộc thiểu số, chủ yếu là Hung Nô cai quản, từ thời Tây Hán mới nhập vào Trung Quốc. Ý thức về tầm quan trọng của vùng đất này nên các triều đại phong kiến từ nhà Hán trở về sau đều xây dựng đồn bót và đưa quân đội lên đây canh giữ, khai phá mở mang Đôn Hoàng. Thời Hán xây dựng Ngọc Môn Quan, Dương Quan; thời Minh xây Gia Dụ Quan, cửa ải rất nổi tiếng ở phía cực tây của dãy Vạn Lý Trường Thành, cách Đôn Hoàng khoảng 100km. Đây cũng là quan ải còn nguyên vẹn nhất cho đến nay. Tương truyền, khi xây dựng cửa ải này, vị kiến trúc sư đã tính toán số lượng gạch chính xác đến mức sau khi xây xong chỉ thừa ra đúng 1 viên và viên gạch này hiện đang được đặt ngay trên cổng Gia Dụ Quan như là một bằng chứng cho sự tính toán thần diệu trên.

Hệ thống hang Mạc Cao theo truyền thuyết, bắt đầu được xây dựng từ năm 336 khi một nhà sư tên là Lạc Tôn đến đây và nhìn thấy cảnh kim quang chiếu xuống như thể có ngàn vạn phật xuất hiện. Ông bắt đầu cho đào núi làm hang và đắp tượng phật. Công việc này được nối tiếp qua các đời, cho đến thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc thì cả dãy núi dài đã không còn chỗ để đào thêm hang động mới. Ban đầu dãy Mạc Cao có 1.000 hang động, trải qua thời gian đến nay còn lại 735 hang động. Thực ra, các hang động tại Mạc Cao đều do các thương nhân bỏ tiền xây dựng. Đây là nơi họ dừng chân chuẩn bị lạc đà, lương thực và cầu nguyện để xin một chuyến đi bình yên trước khi vượt qua một hành trình gian khổ và đầy nguy hiểm qua hoang mạc Taklamakan. Nếu quay trở về an toàn thì họ lại dừng chân tại đây làm lễ tạ ơn vì Đức Phật đã bảo hộ cho họ hoàn thành chuyến đi.

Dãy núi Mạc Cao chạy hình vòng cung nhấp nhô vây bọc lấy một phần sa mạc trên cao nguyên Hoàng Thổ. Các hang động tập trung nhiều hơn ở cánh phía nam. Từ chân núi lên đỉnh có trung bình khoảng 3 tầng hang động, có nơi đến 5 tầng, tất cả đều là hang động nhân tạo. Quả thật niềm tin và sức lực con người đã làm nên những điều không tưởng! Nổi bật nhất trong hệ thống hang động Mạc Cao là hang chính ở trung tâm sườn núi phía nam với mặt ngoài là một tòa lầu 5 gian cao 7 tầng, mái lợp ngói. Bên trong hang là bức tượng Phật Di Lặc cao 37m, một trong những tuyệt phẩm của nghệ thuật tạc tượng Trung Quốc cổ. Đáng tiếc là trong hang quá tối, tượng lại quá lớn nên tôi không thể chụp lại toàn bộ bức tượng. Ở những hang động khác có rất nhiều tượng phật ở vô số tư thế khác nhau. Nhưng hấp dẫn nhất là những bích họa phủ kín các vòm trần và tường các hang động. Đây đều là những bức tranh gắn liền với các điển tích Phật giáo, mà nhiều nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật. Cũng có nhiều bức tranh mô tả về cuộc sống hàng ngày của các giai tầng trong xã hội Trung Quốc qua các thời, như cảnh đi săn nai, cảnh ngày tết trong thành Đôn Hoàng... Đấy là những tư liệu lịch sử vô cùng quý báu. Người ta đã tính rằng, nếu nối tất cả các bức tranh này lại với nhau thì Đôn Hoàng sẽ có một bức bích họa dài hơn 30km! Tuy nhiên, việc bảo tồn những tranh tượng ở Mạc Cao đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do số lượng văn vật quá lớn, trải qua thời gian dài nhiều bức tượng và bích họa đã xuống cấp nghiêm trọng. Phía trước chân núi Mạc Cao có một con sông cạn. Hàng năm nay sông không hề có nước, nhưng theo truyền thuyết nhiều thế kỷ trước đã từng có một cơn đại hồng thủy tràn ngập phần lớn hang động và trận lũ ấy đã hủy hoại rất nhiều di sản quý giá của Đôn Hoàng.

Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản này, Chính phủ Trung Quốc đã lập ra Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng từ mấy chục năm trước. Viện quản lý toàn diện toàn bộ khu hang động Mạc Cao, bao gồm cả nghiên cứu, trùng tu, bảo tồn đến việc bán vé tham quan. Nhờ vậy mà họ có được nguồn thu khá lớn để hoạt động và có thể chủ động khống chế lượng khách đến tham quan các hang động. Hiện nay, khu hang Mạc Cao chỉ mở vài chục hang cho du khách vào tham quan. Giá vé tham quan rất đắt (160 tệ/người vào mùa xuân hạ và 80 tệ/người vào mùa thu đông) nhưng không phải ai muốn cũng có thể vào thăm được. Năm 2008, toàn bộ lượng khách đến Mạc Cao là 523 ngàn người nhưng viện thu được gần 12 triệu USD. Có được nguồn thu lớn như vậy nên Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng có thể đầu tư rất nhiều cho các thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, trùng tu các di sản. Chúng tôi được trực tiếp xem những nghệ nhân cặm cụi, tỉ mỉ ngồi vẽ lại những họa tiết trên bức bích họa đang được trùng tu, được giới thiệu cặn kẽ về phương pháp bảo tồn và phục hồi các bức tượng, tranh trong hang động Mạc Cao. Tại đây có một số nhóm chuyên gia người nước ngoài đang làm việc. Nhiều người trong số họ khiến cả đoàn chúng tôi ngạc nhiên vì khả năng nói tiếng Hoa thật lưu loát. Thì ra họ đã làm việc ở đây rất nhiều năm, với họ Đôn Hoàng đã trở thành quê hương thứ hai. Đây cũng là điều thật thú vị vì Đôn Hoàng vốn là vùng đất của sự giao lưu văn hóa Đông - Tây từ ngàn năm trước.

Để giảm bớt những tác động bất lợi của du lịch đến các di sản văn hóa Đôn Hoàng, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 200 triệu tệ để xây dựng một bảo tàng số hóa toàn bộ hang động Mạc Cao. Bảo tàng này nằm trong trong khuôn viên Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng với các trang thiết bị hết sức hiện đại. Trong tương lai gần, du khách đến đây có thể ngắm nhìn toàn bộ các hang động Mạc Cao mà không cần đến tận hiện trường. Hiện tại, ngay trong bảo tàng này, du khách đã có thể xem và chụp ảnh tại khoảng hơn chục hang động được phục dựng theo đúng tỷ lệ 1/1. Tại các hang động thật, tất cả việc quay phim, chụp ảnh đều bị nghiêm cấm.

Đến Đôn Hoàng, du khách có thể được tham dự những chương trình dạ tiệc đặc sắc, thưởng thức những tiết mục múa Quan Âm do các thiếu nữ Đôn Hoàng xinh đẹp thể hiện thật tuyệt vời. Du khách cũng có dịp rảo bước chợ Đêm cách khách sạn chỉ vài trăm mét. Đây là khu chợ dành cho khách du lịch mua sắm các đặc sản và quà lưu niệm về Đôn Hoàng, một khu phố dài sạch đẹp và có rất nhiều hàng hóa. Đôn Hoàng kỳ vĩ và có nhiều điều để khám phá, bởi thế mà tạm biệt danh thắng này ai cũng quay đầu tiếc nuối...

T.S PHAN THANH HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=633
Quay lên trên