Như là chiếc “thang vàng” khổng lồ buông từ trên trời cao khi mùa lúa chín, như là vân tay kỳ bí của đất mẹ mùa cày ruộng, như kính vạn hoa khổng lồ lấp lánh gương soi mùa nước đổ..., ruộng bậc thang Sa Pa (Lào Cai) không chỉ bao đời làm ra hạt thóc nuôi sống con người trên miền núi cao chót vót, khí hậu khắc nghiệt mà còn là bản sắc văn hóa, sức sáng tạo độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa.
“Bồ thóc” trên đỉnh núi
Tháng 10, một mình một con “ngựa sắt hai bánh” Min-xcơ được tiếng là “khỏe như trâu”, tôi vượt yên ngựa Trung Chải dốc cao tức ngực, hun hút khe sâu, đến thôn Vù Lùng Sung lãng đãng ẩn hiện trong sương trắng dập dềnh, miền đất có “kỳ quan” ruộng bậc thang 121 bậc, nhiều bậc nhất Việt Nam, như chiếc “thang mây” bắc lên lưng trời. Trên độ cao hơn 700 m so với mực nước biển, thôn Vù Lùng Sung nằm chính giữa đỉnh núi cao nhất nơi đây, với những chàng trai người Mông “chân săn như gỗ ngát, ngực nở như cây cung” và những cô gái “hông nở như cum lúa, da trắng như nõn chuối rừng” hồn nhiên và mến khách ở nơi “đầu non đầu suối”.
Già làng Lò Diếu Chỉn đón khách, niềm nở như người thân lâu ngày gặp lại, câu chuyện nở bung về những tháng ngày gian khổ lập bản. Ngày xa xưa ấy, vùng này không có người ở, bởi “vù luồng” theo tiếng người Dao có nghĩa là “đỉnh rồng”, núi cao chót vót, hoang dã và bí ẩn. Cụ tổ của dòng họ Lò là người đầu tiên dám xung phong lên đây “khai sơn phá thạch” để lập bản. Tính đến nay là đời thứ chín, lâu dần đọc chệch thành Vù Lùng Sung, có nghĩa là “thang mây”. Đứng ở nấc trên cùng của kỳ quan thang mây 121 bậc, tầm mắt bao quát cả một vùng núi non điệp trùng “sóng lúa” ruộng bậc thang, rực lên mầu vàng no ấm. Đang mùa gặt, khắp các sườn núi vang tiếng cười trong trẻo, thoảng trong tiếng kèn lá, khèn môi vui được mùa cơm mới theo điệu dân ca Mông tình tứ. Còn gì vui bằng mùa gặt ruộng bậc thang của người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở nơi “đầu non đầu suối”. Phụ nữ gặt đến đâu, đàn ông kéo theo những chiếc “phàn thống” (hòm đựng lúa) được đóng bằng gỗ, hình thang cân lật ngược. Họ dùng những chiếc “néo” là hai đoạn gỗ nhỏ, cứng chắc, được kết nối với nhau bằng da con trâu cái già, để ghìm bó lúa đập vào “phàn thống” cho rụng hạt, rồi đóng bao đưa lên lưng ngựa hoặc dùng xe máy chở về nhà. “Ruộng bậc thang là cái “bồ thóc” không bao giờ vơi của người Mông ta đấy”, nó như cái “niềng vàng” giữ chân đồng bào định canh định cư, không phá rừng làm nương như trước nữa”- già làng Chỉn bảo vậy.
Vượt xã Trung Chải hơn 30 km, chúng tôi đi qua hàng trăm thửa ruộng bậc thang lượn sóng nhấp nhô giữa lưng chừng trời để đến với vô số thửa ruộng bậc thang khác trải dài dưới thung lũng Mường Hoa, như chiếc “quạt vàng” khổng lồ của người Giáy thuộc xã Tả Van, phía đông nam thị trấn Sa Pa. Đó là thung lũng nằm hai bên con suối Mường Hoa chảy dài như dải lụa mềm dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vĩ. Thung lũng Mường Hoa như một lòng chảo nghiêng khổng lồ, nắng thu tràn lên những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín trĩu bông như dát thêm lớp vàng tươi rực rỡ, trù phú của những bản làng người Giáy nơi đây. Nói về canh tác ruộng bậc thang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa Nguyễn Tiến Thành ví von nó như “bồ thóc” Thạch Sanh không bao giờ cạn, giữ chân đồng bào dân tộc thiểu số trên núi cao định canh định cư, không phá rừng làm nương như trước nữa. Với hàng nghìn héc-ta ruộng bậc thang trên sườn núi Hoàng Liên, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy ở các xã Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán, Bản Hồ bám đất, yên tâm định cư, bảo đảm lương thực và làm du lịch homestay, cuộc sống ngày càng khá lên, rút ngắn khoảng cách với thị trấn Sa Pa sầm uất.
Biến di sản thành tài sản
Với lịch sử lâu đời và vẻ đẹp độc đáo gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, ruộng bậc thang Sa Pa đã được du khách trong nước và nước ngoài rất yêu thích, khám phá và thưởng ngoạn. Tạp chí du lịch “Travel and Leisure” của Mỹ đã bình chọn và công bố bảy ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới, gồm: vùng Banaue (Phi-li-pin), vùng Nguyên Dương ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), khu Long Tích ở tỉnh Quế Lâm (Trung Quốc), vùng Mae Rim ở Chiềng Mai (Thái-lan), vùng Annapurna (Nê-pan), vùng Ubud (In-đô-nê-xi-a) và Sa Pa của Việt Nam. Đây là loại hình canh tác độc đáo trong sự tồn tại và phát triển của nông nghiệp truyền thống, do bàn tay người nông dân vùng cao khai thác và kiến tạo ở độ cao 700 đến 1.500 m so với mặt biển. “Vì thế nó xứng đáng được tôn vinh là di sản để đời”, tạp chí này viết.
Năm 2013, ruộng bậc thang Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng quốc gia, với diện tích 749 ha, thuộc ba xã Lao Chải, Tả Van và Hầu Thào của huyện Sa Pa; trong đó khu vực bảo vệ cấp 1 (nghiêm ngặt) là 450 ha (nằm chủ yếu ở xã Tả Van); khu vực bảo vệ cấp 2 là 298 ha. Với phương châm “Biến di sản thành tài sản”, tỉnh Lào Cai tập trung đầu tư phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, bảo tồn các lễ hội của các dân tộc bản địa nơi đây như lễ hội Xuống đồng (Gầu tào, Roóng poọc), Múa xòe, Múa chuông, Múa sinh tiền, Múa quạt, Lễ cấp sắc… Sau khi bảo tồn, phục dựng nguyên bản, huyện Sa Pa đưa các lễ hội vào hoạt động du lịch ở thị trấn, xã và các bản làng; tập trung thành chuỗi vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, dịp nghỉ lễ trong năm, nhằm thu hút, phục vụ du khách. Ở các xã đều thành lập đội văn nghệ dân tộc, sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách ngay tại các điểm homestay. Có thể kể đến các chương trình như: Xuống đồng Tả Van, xòe Thanh Phú, cấp sắc Thanh Kim, lễ hội trên mây, một ngày làm nông dân Tả Phìn… Nhờ vậy, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phục vụ khách du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Tả Van theo tiếng địa phương là “vòng cung lớn”. Quả đúng là thế, những ngôi nhà người Giáy, người Mông “treo” trên sườn núi hình cánh cung, ôm trọn dòng suối Mường Hoa trong xanh, uốn lượn quanh những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ. Du lịch cộng đồng là loại hình dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương; họ sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân, để khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo, vì thế nó có sức hấp dẫn riêng.
Chủ tịch UBND xã Tả Van Phan Mạnh Hoàng cho biết, cụm homestay Tả Van Giáy 1 là một trong năm cụm homestay của Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN. Hiện ở địa phương có khoảng 140 hộ dân sinh sống, thì có hơn 40 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng (homestay), mỗi nhà có sức chứa từ 10 đến 20 người. Trung bình vào mùa cao điểm, mỗi ngày phục vụ từ 200 đến 300 khách. Giá lưu trú một đêm tại Tả Van khá rẻ, dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng, tùy hạng phòng. Tuy nhiên, cũng có những phòng lưu trú cao cấp do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, có giá lên tới hơn một triệu đồng/đêm. Ngoài lưu trú qua đêm, đồng bào Giáy ở Tả Van còn bảo đảm cho du khách thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực dân tộc bản địa và các tiết mục văn nghệ dân gian như múa quạt, hát ống, hát dân ca… Tính đến nay, toàn huyện Sa Pa có 154 cơ sở homestay, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn…, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đến Tả Van những ngày cuối thu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh trẻ em người nước ngoài nô đùa với trẻ em người dân tộc thiểu số rất tự nhiên, vui vẻ và thân thiện như thể sống gần nhau từ nhỏ. Đây đó, từng tốp du khách nước ngoài tham quan khu sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang, thắng cảnh suối Mường Hoa, hoặc điểm làm nghề thủ công truyền thống dệt sợi lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong trên thổ cẩm…, theo lời giới thiệu của các “hướng dẫn viên” là đồng bào người địa phương. Tại đây, họ được trải nghiệm cảm giác làm “nông dân thực thụ” của vùng đất này.
Đêm về, thung lũng Mường Hoa lấp lánh như đêm hội hoa đăng. Ánh điện tỏa sáng từ những ngôi nhà sàn “treo ngang” vòng cung ruộng bậc thang như cánh tay mẹ thiên nhiên vĩ đại, những giai điệu dân ca Giáy cất lên trong trẻo: Ruộng bậc thang/Chênh vênh sườn núi/ Ruộng bậc thang/ Thấp thoáng trong mây/Ruộng bậc thang/ Đẹp lắm quê em…
Theo NDO