Đó là dự án nhà máy sản xuất đồ chơi có số vốn đầu tư lên đến 1,36 tỷ USD của Tập đoàn Lego, một thương hiệu lớn toàn cầu đến từ Đan Mạch, tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III. Đến nay, sau những nỗ lực của nhà đầu tư và chính quyền tỉnh, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành; dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.
Sự kỳ vọng đối với dự án này trước hết đến từ quy mô. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đặc biệt lớn của một tập đoàn mang thương hiệu toàn cầu tại Bình Dương từ trước đến nay. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước lớn, dự án còn có ý nghĩa thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng xanh, sạch, bền vững.
Thực tế cho thấy, các dự án với quy mô vốn đầu tư lớn luôn có nghĩa như một “đầu tàu”, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh từ năm 2008 đã góp phần tạo thay đổi rõ nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này. Năm 2005, quy mô GRDP của Bắc Ninh là 1.504 tỷ đồng; năm 2010, con số này tăng lên 16.685 tỷ đồng và đến năm 2022, quy mô GRDP đã tăng lên hơn 248.000 tỷ đồng… Và, đối với dự án của Lego, kỳ vọng vào sự thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương cũng rất lớn.
Được biết, đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại châu Á của Tập đoàn Lego nhằm củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của tập đoàn này trong khu vực và thế giới. Do đó, khi hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án nhà máy 1,36 tỷ USD của Tập đoàn Lego còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái công nghiệp mới qua việc hình thành chuỗi cung ứng cho nhà máy từ phía các đối tác tại địa phương.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Tập đoàn Lego tại Bình Dương là một minh chứng sinh động, khẳng định mạnh mẽ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo sự lan tỏa về uy tín, thương hiệu, vị thế của Bình Dương trên trường quốc tế.
THÀNH SƠN