"Có một loài hoa mang sắc tím, thân bồng bềnh theo con nước đầy vơi…". Đó là những câu thơ của tác giả Vũ Quyên miêu tả loài bông lục bình. Không những đẹp, có ý nghĩa mà bông lục bình còn trở thành một món ăn độc đáo của bà con miệt vườn sông nước.
Mùa mưa, bông lục bình nở tím ngát một khúc sông, nó làm cho các phương tiện xuồng, ghe đi lại không hề dễ dàng. Nhưng trong cái khó, người dân quê tôi lại khéo léo tận dụng. Người thì hái ngó lục bình về nấu canh chua, chấm mắm kho, cá kho…; còn tôi tranh thủ hái bông lục bình về xào với mớ tép mới bắt được ở mương nhà.
Lục bình còn được gọi là bèo Tây hay là bèo Nhật Bản, có rất nhiều ở miền sông nước. Ngày xưa, lục bình chỉ là một loài thủy sinh lênh đênh trôi theo dòng nước, một loài thảo dã không hữu dụng nhưng là hình ảnh rất thân thương, gần gũi với nông dân ĐBSCL. Bông lục bình có màu tim tím mỏng manh, có sắc không hương, trên cánh hoa điểm đốm vàng trông giống như những chú chim công xòe đuôi khoe sắc.
Bông lục bình hái về rửa sơ, ngắt bỏ bớt cuốn để ráo là xong. Bắc chảo dầu lên, phi tỏi cho thơm, trút tép đã ướp vào xào. Mùi thơm lựng bốc lên, cho tiếp bông lục bình vào, đậy kín nắp. Chỉ chút xíu là bông lục bình đã xìu xuống, nêm lại cho vừa ăn và nhắc khỏi bếp là đã có một món ăn ngon, sạch và đậm chất quê.
Gắp một con tép cùng hoa lục bình chấm vào chén nước tương đưa lên miệng nhai chầm chậm, bạn sẽ "ngậm mà nghe" vị ngọt, dai của tép; vị mềm, ngọt thoảng mùi thơm đặc trưng của bông lục bình, ăn một lần sẽ nhớ mãi cái hương vị của đồng quê.
Còn gì bằng khi cùng gia đình thưởng thức bữa cơm nóng hổi với đĩa bông lục bình xào tép vừa bình dị mà ngon miệng vừa khỏi lo rau bị "bẩn" bởi phân bón, thuốc hóa học. Nếu trước kia, các món ăn từ lục bình chỉ là món ăn của người nghèo thì giờ đây, chúng đã trở thành món ngon hấp dẫn và còn được xếp vào hàng đặc sản, đã có mặt ở nhiều hàng quán để du khách thưởng thức khi có dịp đến với miền Tây.
Theo NLĐ