Bài học quản lý kinh tế qua vụ Vinashin để lại số nợ khổng lồ (86.000 tỷ đồng) chưa kịp lắng xuống thì tuần qua những ai quan tâm tới kinh tế đất nước, đặc biệt là chuyện quản lý ngân sách, tài sản công lại phải “giật mình” trước việc Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có số thua lỗ lên tới 3.000 tỷ đồng chỉ trong một năm (năm 2010) đầu tư kinh doanh.
Theo công bố của Kiểm toán Nhà nước, ngoài số thua lỗ 3.000 tỷ đồng, công ty này có khả năng phải chịu thêm số lỗ tiềm ẩn 1.266 tỷ đồng trong tổng số vốn 4.600 tỷ đồng đầu tư tài sản cho thuê. Những sai phạm trong quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại công ty này là đã quá rõ ràng và cho thấy một cách đầu tư kinh doanh vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Đơn cử, với 26 hợp đồng huy động vốn (1.300 tỷ đồng) đều vượt lãi suất trần quy định (17,5%/năm) của Agribank. Thực hiện cho thuê sai nguyên tắc, không thẩm định tài sản cho thuê, nhiều khách hàng không có khả năng trả lãi vẫn tiếp tục được cho thuê...
Cho thuê tài chính đã sai, đầu tư tài sản cho thuê lại càng sai nghiêm trọng. Công ty đầu tư tài sản cho thuê nhưng không có dự toán, thiết kế, đầu tư vào tài sản cho thuê nhưng không có cơ sở xác định giá của tài sản hoặc có dấu hiệu không bình thường trong việc xác định giá tài sản. Chỉ một chi nhánh tại Bình Dương của công ty này mua xe cẩu thủy lực 250 tấn của một công ty khác với giá 65 tỷ đồng. Trong khi đó chỉ 7 ngày trước, công ty bán xe mới mua lại xe cẩu này với giá chỉ gần 32 tỷ đồng. Một phi vụ đầu tư tài sản vô tội vạ của Công ty Cho thuê tài chính II đã thấy vốn Nhà nước thâm thủng tới 33 tỷ đồng. Nực cười hơn là có những tài sản đầu tư cho thuê hàng ngàn tỷ đồng, đã giải ngân đầu tư sau gần 2 năm nhưng tài sản vẫn nằm trên giấy...
Làm sai tất nhiên sẽ có pháp luật xử lý, sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán, cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc. Nguyên Tổng Giám đốc công ty này và nhiều cộng sự của ông ta đã bị tạm giam. Tuy nhiên, bài học để lại chính là cung cách quản lý vốn và tài sản Nhà nước lỏng lẻo đã dẫn tới hậu quả khó lường về mặt kinh tế. Chính việc thiếu kiểm tra, kiểm soát của các cấp quản lý liên quan, đặc biệt là của Agribank nên công ty này mới “vung tiền” đầu tư một cách vô tội vạ vậy.
Sau hàng loạt vụ thất thoát vốn và tài sản Nhà nước lớn, nhỏ, bài học để lại là làm thế nào để bịt “lỗ hổng” quản lý chính là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Vốn, tài sản công chính là những đồng thuế ít ỏi của dân đóng góp. Ai, cơ quan, doanh nghiệp nào làm thất thoát là có tội với dân!
TRIÊU PHONG