Đến cuối năm 2023, lượng khách tại các điểm du lịch phục hồi từ 70 - 80%. Để giữ được đà tăng trưởng phục hồi và phát triển trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bên cạnh sản phẩm du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đangt cần chiến lược xúc tiến quảng bá song hành.
Cần vai trò "nhạc trưởng" xúc tiến
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo nên thành công của du lịch Đà Nẵng và một số địa phương ở miền Trung, là việc triển khai liên kết vùng và hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực ngày càng diễn ra gay gắt, việc liên kết và xây dựng thương hiệu tiếp thị điểm đến sẽ góp phần phối hợp nguồn lực hiệu quả hơn, tạo điều kiện mở rộng không gian du lịch; đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và phát triển sản phẩm, du khách có nhiều sự lựa chọn. Năm 2021, chúng tôi đã đẩy mạnh mở rộng ra 5 địa phương thêm Quảng Bình, Quảng Trị liên kết với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để xây dựng thành chủ đề "Miền di sản kỳ diệu".
Du khách đến với phổ cổ Hội An.
Việc liên kết xúc tiến quảng bá như vậy đã giúp các địa phương giải quyết bài toán khó khăn về kinh phí trong hoạt động xúc tiến quảng bá và cùng nhau tham gia các hội chợ quốc tế có uy tín và tổ chức các chương trình quảng bá của 5 địa phương, xây dựng các sản phẩm chung góp phần quảng bá hình ảnh các địa phương ra thị trường khách quốc tế.
“Dù vậy, hoạt động liên kết hiện nay còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương. Do đó, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch dành nguồn lực, có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương, các vùng, các đơn vị liên kết để có thể tạo được cú hích mạnh hơn trong xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt là xúc tiến quảng bá ra nước ngoài”, ông Trần Chí Cường cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Về thị trường, Thành phố đã phối hợp với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nhiều nước để tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, du lịch TP Hồ Chí Minh đến với Australia, Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Lào, Singapore… và phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với 6 vùng trong cả nước nhằm kích cầu du lịch vùng, du lịch nội địa và tăng khách quốc tế cho địa phương”.
Để đạt hiệu quả hơn trong việc thu hút khách, đại diện TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các nước, để mở rộng thị phần ở thị trường trọng điểm và xúc tiến các thị trường tiềm năng; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường. Các hoạt động xúc tiến của Nhà nước, kế hoạch quảng bá, xúc tiến cần được công bố sớm trước 1 năm để các địa phương, doanh nghiệp có điều kiện tham gia tốt nhất. Đồng thời, Bộ cần triển khai hoạt động của Quỹ Xúc tiến Du lịch Quốc gia để hỗ trợ thúc đẩy, phát triển ngành du lịch.
Còn ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế, thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để có cơ hội tiếp cận các đôí tác tiềm năng.
“Bộ VHTTDL cần quan tâm, xây dựng một đề án tổng thể về xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó Bộ là đơn vị chủ trì. Những năm vừa qua, TP Hà Nội cũng có hợp tác với CNN để quảng bá, tuy nhiên chúng tôi thấy việc hợp tác này, nếu Bộ VHTTDL triển khai toàn quốc sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng: “Về thị trường khách quốc tế và quảng bá xúc tiến, chúng tôi muốn hằng năm Bộ VHTTDL sẽ có cuộc làm việc với các địa phương, bộ ngành để định vị, phân tích cho các địa phương biết kế hoạch năm tới, các năm tiếp theo, thị trường khách quốc tế và trong nước cần có định hướng gì; tránh sự chồng chéo. Cần đầu tàu để định hướng mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương trong chuỗi liên kết.Về công tác quảng bá xúc tiến, tỉnh Quảng Ninh mong Bộ VHTTDL hỗ trợ thông báo sớm về thị trường phù hợp đối với từng địa phương để có những cuộc xúc tiến lớn, mang tầm quốc tế, phải làm sớm, làm từ xa để quảng bá sản phẩm của địa phương được hiệu quả hơn”.
Sớm có một chiến dịch quảng bá cụ thể
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng: Sau đại dịch COVID-19, với chính sách mở cửa của Chính phủ, thị trường đã có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Đến hết 10 tháng năm 2023, thị trường vận tải hàng không quốc tế đã quay lại 97% so với trước dịch COVID-19. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đạt được mức 73%, Việt Nam cũng đang ở mức 72% so với trước dịch.
“Hiện tại, Việt Nam đã đạt mục tiêu 10 triệu khách. Tuy nhiên, để đạt được mức 50 triệu khách quốc tế vào năm 2025, cần xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng. Cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc và đảm bảo công tác triển khai. Bên cạnh đó, không thể chỉ một mình Cục Du lịch Việt Nam, mà còn cần sức mạnh của nhiều ngành liên quan, của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp. Năm 2023 ngành du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi với nhiều hoạt động kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, nhằm quảng bá du lịch Việt Nam. Do đó, kiến nghị ngay trong hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành, địa phương có phần giới thiệu về du lịch Việt Nam. Không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam mà còn về vẻ đẹp du lịch Việt Nam để mời gọi khách đến với Việt Nam cũng như quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới”, ông Lê Hồng Hà đánh giá.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, về phía các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, thì vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Như hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế?
Theo ông Bình, nguyên nhân là công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả. Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt so với doanh nghiệp quốc tế. Các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế gắn với du lịch. Gắn với du lịch nhưng không đạt được mục tiêu bởi lễ hội vốn sinh ra từ phong tục tập quán dân tộc, từ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.
“Khách du lịch rất ít quan tâm đến các lễ khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ của hàng nghìn diễn viên không chuyên, những người phải bỏ hàng tháng để tập luyện. Họ chỉ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống. Nếu như những kinh phí đó chuyển sang cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Do đó, phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Đề nghị đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh những hoạt động mà chúng tôi vừa đề xuất. Chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm. Nguyên nhân của hạn chế này là: Một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19; truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của Du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài…
Do đó, Bộ VHTTDL đề xuất sửa đổi Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, trong đó cho phép lập văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trên thế giới. Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế…
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tận dụng hiệu quả các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh mới được ban hành, khẩn trương, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, kích cầu để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng, gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông...
Bên cạnh đó là thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư, tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp, hãng hàng không, các đối tác phân phối lớn cả ở trong và ngoài nước trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng khả năng vươn tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng; Thúc đẩy các hoạt động marketing kỹ thuật số.
Theo TTXVN