Lạm phát và người nghèo

Cập nhật: 16-08-2011 | 00:00:00

Lạm phát là một vấn đề lớn của nền kinh tế quốc gia, nó có thể làm suy sụp nền kinh tế hoặc là tác nhân gây bất ổn xã hội nghiêm trọng. Ở nước ta đã có thời kỳ lạm phát phi mã trên ngàn %, đồng tiền mất giá trầm trọng và phải đổi tiền nhiều lần, kinh tế tiêu điều, hàng hóa khan hiếm, đời sống tuyệt đại bộ phận người dân lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Từ đầu năm đến nay tốc độ lạm phát tăng cao, theo báo cáo của Chính phủ thì chưa đến 20% nhưng theo nhiều chuyên gia thì nó đã vượt qua ngưỡng này và chưa có dấu hiệu nào dừng lại. Giá các loại hàng hóa thi nhau tăng nhanh đến chóng mặt nhất là các hàng hóa thiết yếu trong tiêu dùng đời sống, đây là một nguy cơ lớn bởi vì người dân có thể tạm không vui chơi, không xây nhà, mua xe... nhưng không thể nhịn ăn để có sức lao động. Tác hại của lạm phát có thể diễn tả ở nhiều mặt nhưng ở đây chỉ bàn đến khía cạnh nó tấn công đối tượng người nghèo.

Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong thời gian qua đã đạt thành tích đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo được cả quốc tế công nhận. Bình Dương liên tục nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia để từ đó có mục tiêu nâng dần mức sống của người nghèo so với các địa phương khác. Thực tế những năm qua, Bình Dương đã làm được điều này, nhưng với đà lạm phát hiện nay có nguy cơ phá vỡ những thành tựu đạt được vừa qua. Chúng ta biết rằng, lạm phát tăng cao và đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất chính là người nghèo. Vì người nghèo, người làm công ăn lương khó có khả năng thích ứng kịp với xu thế tăng giá, họ không có vốn tích lũy, không có kinh nghiệm hay công nghệ gì khả dĩ để lướt sóng trước “bão giá”. Họ chỉ có mỗi khả năng phòng vệ đó là tằn tiện hơn và hơn nữa chính vì thế nếu lạm phát kéo dài thì các đối tượng này càng rơi vào tình trạng tái nghèo. Ngoài hộ nghèo ra, đối tượng bị tác động mạnh nhất là công viên chức và công nhân lao động, 6 tháng đầu năm đã nổ ra hàng trăm cuộc tranh chấp lao động bằng các hình thức đình lãn công mà nguyên nhân chính không ngoài đòi tăng thêm quyền lợi là lương bổng. Thật vậy với mức thu nhập bình quân hiện nay để trang trải chi phí cho cuộc sống còn không đủ nói gì đến tích lũy, điện lên, nước lên, nhà trọ lên, dịch vụ lên, thực phẩm lên nhưng lương thì chưa lên, có cảm giác người lao động dù cần cù tới mức nào chăng nữa cũng giống như đang đi dây không có độ an toàn. Nhiều công nhân tâm sự thật lòng chỉ cầu trời khấn phật cho thời điểm này đừng có bệnh, nếu không sẽ xoay sở sau đây? Để tự cứu lấy mình nhiều người lao động đã thực hiện biện pháp khắc khổ hơn như: Dồn phòng dù chật hẹp một chút, gom bếp nấu chung, ăn cơm no là chính quên bớt thức ăn, công viên chức thì tìm lại cảm giác cơm chiên buổi sáng, dởcơm buổi trưa...

Tình hình và tác hại của lạm phát chắc chắn các cấp lãnh đạo, quản lý đều đã thấy nhưng để giảm thiểu tác hại là việc không dễ làm. Nghị quyết 11 của Chính phủ triển khai quyết liệt bước đầu cũng đã có những thành tựu khả quan nhất định nhưng nó cũng chỉ đạt được ở các biện pháp hành chánh và các mục tiêu ngắn hạn. Để có thể đẩy lùi lạm phát căn cơ thì cần phải có những cải cách sâu rộng, các giải pháp về kinh tế phải đồng bộ, cần phải tái cấu trúc lại nền kinh tế không thể chỉ dựa vào vốn đầu tư FDI, giá nhân công rẻ hoặc khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên như cũ. Trước mắt chính quyền địa phương cần quan tâm đặc biệt đối với đối tượng nghèo và người lao động, từng địa phương với khả năng và quyền hạn của mình nên đề ra các chính sách cấp bách hỗ trợ các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, vận động cộng đồng xã hội, những người có điều kiện sống tốt hơn chung tay trợ giúp người nghèo, kiên quyết đấu tranh với những phần tử “té nước theo mưa” lợi dụng nâng giá kiếm lợi nhuận bất chính trong cơn nguy khốn của người khác. Hy vọng với các biện pháp đồng bộ, với sự chung tay của cả cộng đồng và sự tự vươn lên của chính đối tượng nghèo chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn gian nan này.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên