Làm sao để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành nếp văn hóa tiêu dùng...

Cập nhật: 11-06-2011 | 00:00:00

Đó không chỉ là mong muốn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mà còn là của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước sau khi nhìn nhận, đánh giá lại việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“ do Bộ Chính trị phát động thời gian qua và trong 5 tháng đầu năm 2011.

Có thể nói, với sự chỉ đạo thông suốt, nhất quán từ Chính phủ tới các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp đến các địa phương cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước mà Đảng, Chính phủ đề ra, thời gian qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã gặt hái được những kết quả thiết thực. Đơn vị sản xuất bắt đầu quan tâm khai thác thị trường nội địa, người dân dần chuyển hướng sang sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước...

Cũng từ cuộc vận động, một số cơ chế, chính sách được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa trong nước. Ở Bình Dương thực hiện cuộc vận động này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chú ý và có những biện pháp, giải pháp tích cực trong việc tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, ngày càng nâng cao doanh thu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa...

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nền sản xuất trong nước mới chiếm được từ 30 - 50% nhu cầu thị trường đối với rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dân cư như xăng, dầu, phân bón, vật liệu xây dựng, hóa chất... Ngay những mặt hàng là thế mạnh của nền kinh tế đất nước như nông sản, dệt may, da giày... thị trường cũng bị một lượng đáng kể hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh gay gắt. Thực trạng này dẫn tới hệ quả là hàng năm, đất nước phải tốn nhiều ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoa, thiết bị các loại, trở thành bài toán khó cho cán cân thanh toán, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi, một phần không nhỏ của lượng hàng hóa nhập khẩu này trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng, chúng ta có thể tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Do đó, Chính phủ mong muốn các cấp, các ngành và mọi người dân tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xem đây là công việc lâu dài, tiến tới xây dựng thành nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Riêng các nhà sản xuất phải thấy rằng cần cố gắng thế nào để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đó, làm sao để sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn vì “đây hoàn toàn là cơ hội lớn nếu như có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của người tiêu dùng trong nước. Không một quốc gia nào phát triển mạnh  được nền sản xuất của mình nếu không được sự ủng hộ của người dân, của thị trường trong nước...”.

Và để đẩy mạnh cuộc vận động, hướng tới mục tiêu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành nếp văn hóa tiêu dùng của người dân Việt Nam thì việc tăng cường công tác tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm thay đổi cơ bản nhận thức toàn xã hội, khắc phục được tình trạng còn một số cấp, một số bộ phận chưa quan tâm đúng mức, chậm xây dựng kế hoạch triển khai chương trình. Đặc biệt là khắc phục những hạn chế, tồn tại của chương trình như nâng cao nhận thức của người dân về cuộc vận động, xây dựng các kế hoạch khả thi, thực chất, kiểm tra, hướng dẫn các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội một cách chủ động, linh hoạt, tổ chức tôn vinh những điển hình đi đầu trong cuộc vận động, thực hiện các diễn đàn trao đổi giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng...

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên