Lần thứ 3 liên tiếp được ICF vinh danh: Bình Dương đã vượt qua các tiêu chí khắt khe như thế nào?

Cập nhật: 03-03-2021 | 08:48:47

Năm 2020, cùng với cách làm đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, nỗ lực vượt qua các thách thức, khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bình Dương đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), trở thành địa phương đại diện duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu toàn cầu (Smart21).

 Thành phố mới sẽ là trung tâm để kết nối các phân khu trong Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Sáng tạo, linh hoạt

Đến nay, Bình Dương đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt lựa chọn một số doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm làm đầu mối trong việc mời gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật với vốn thực hiện hơn 16.054 tỷ đồng, đạt 60,35% tổng số vốn được duyệt (chưa tính các KCN trong thời kỳ xây dựng cơ bản). Các KCN đã cho thuê tổng diện tích hơn 6.664 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 87,37%. Kết quả trên cho thấy việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp tương đối ổn định, phù hợp với tình hình thu hút đầu tư của tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới, tỉnh đã chú ý ưu tiên những ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; hạn chế tối đa các dự án thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả ấn tượng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có trên 48.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 450.000 tỷ đồng và gần 4.000 dự án có vốn FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 35,4 tỷ đô la Mỹ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có nguồn tài chính lớn và công nghệ hiện đại đầu tư vào Bình Dương.

Bước sang năm 2021, Bình Dương nhanh chóng thích nghi với tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi qua phương thức xúc tiến thương mại online, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ. Có những nhà đầu tư nước ngoài trong tình hình dịch bệnh vẫn đến Bình Dương, chấp nhận yêu cầu cách ly y tế theo quy định để tìm hiểu, quyết định đầu tư tại các KCN của Bình Dương. Đây là những minh chứng quan trọng cho sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, các liên doanh trong nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư.

Xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới

Trong năm qua, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới với việc triển khai Đề án Vùng Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương. Đề án là một giải pháp liên ngành, nhiều lớp, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa ĐMST, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực. Nội dung của đề án được đúc kết từ thực tiễn, thông qua quá trình phát triển và xây dựng các dự án tại Trung tâm Vùng ĐMST - thành phố mới Bình Dương.

Bên cạnh những công trình, dự án hiện hữu, nổi bật là việc quy hoạch giao thông đô thị ứng dụng mô hình TOD - Xây dựng chuỗi đô thị dọc theo tuyến giao thông công cộng. Bình Dương đã chú trọng rất sâu vấn đề quy hoạch thành phố gắn liền với hệ thống giao thông công cộng, tính toán đến dư địa phát triển trong tương lai. Nhờ vậy, thành phố mới Bình Dương sẽ là một điểm trung tâm để kết nối các phân khu trong Vùng ĐMST, cũng như kết nối với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nơi đây đang đề xuất thực hiện các dự án buýt nhanh BRT gắn liền với ga Suối Tiên trong hệ thống Metro của TP.Hồ Chí Minh, các dự án cải tạo cảnh quan đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, mở rộng quốc lộ 13...

Ngoài ra, hệ thống quy hoạch đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng theo mô hình TOD là những dự án nòng cốt phục vụ kết nối trong nội vùng, cũng như ra ngoài các tỉnh bạn. Với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái ĐMST và rộng hơn là văn hóa ĐMST bền vững. Đây được xem là “bàn đạp” giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.

Đặc biệt, Bình Dương đã khởi động Khu phức hợp trong lòng thành phố mới, tạo một điểm nhấn về dịch vụ thương mại, chính thức được gia nhập vào Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới. Đây sẽ là những bước ngoặt quan trọng để dịch vụ tại Bình Dương bước lên những nấc thang mới. Dự án Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của mình đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Siêu” dự án với tầm nhìn “Trí thức - kết nối - sáng tạo”, sẽ là đòn bẩy để Bình Dương hội nhập và phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ chất lượng cao và giao thương quốc tế.

Trong quý IV-2020, Trung tâm Triển lãm quốc tế với tên gọi là WTC EXPO đã được tiến hành xây dựng. Theo kế hoạch đề ra, công trình này sẽ hoàn thành trong quý I-2021 và trở thành một khu vực triển lãm được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế trên diện tích 22.000m2. Từ năm 2021, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước về các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, khu vực sẽ được tổ chức tại đây. Bình Dương luôn chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư theo chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bao gồm cả trước, trong và sau đầu tư. Tìm hiểu chiến lược toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia để có chiến lược tiếp cận, xúc tiến đầu tư; không đợi họ tìm đến và chấp nhận những gì địa phương có mà chủ động hướng đến những điều nhà đầu tư cần; mời gọi các nhà đầu tư đến tỉnh tham quan, tìm hiểu thực tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn xúc tiến (cả online và offline), ký kết, ghi nhớ đầu tư, giúp cho nhà đầu tư giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả xúc tiến đầu tư cao. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh chính quyền điện tử, triển khai nhiều mô hình và công nghệ mới, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh số hóa, ứng dụng công nghệ, nâng cao tri thức, phát triển các nhà máy thông minh…

 Bình Dương đã thực hiện đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững, hạn chế tác động xấu của suy thoái toàn cầu và dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt, Bình Dương đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, luôn lắng nghe và trân trọng ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội đầu tư trong và ngoài nước, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang triển khai quyết liệt nghiên cứu về logistics, các giải pháp giao thông - vận tải mới để tạo điều kiện tốt nhất do doanh nghiệp và người dân.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên