Làng bè Long Sơn: Đến để luyến lưu…

Cập nhật: 30-03-2013 | 00:00:00
Ngồi hóng mát trên mặt sông với sóng nước dập dềnh, được thưởng thức những món ăn hải sản tươi sống hay hòa mình thành những ngư dân bắt cá ở cửa sông Rạng… Đó là những điều kỳ thú khi du khách đặt chân đến làng bè Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Nơi thư giãn lý tưởng Vượt chặng đường hơn 10km từ quốc lộ 51 vào xã đảo An Sơn, một làng bè nhỏ bồng bềnh trên sóng nước đã dần hiện rõ. Cái nắng oi bức những ngày cuối tháng 3 ngay lập tức được thay thế bằng một bầu không khí trong lành, mát rượi. Không ít du khách trong đoàn chúng tôi đã tranh thủ ghi lại những hình ảnh hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cùng với đó là những tấm hình lưu niệm cùng những ngư dân làng cá, làng hàu. Một góc làng bè Long Sơn Khoảng hơn 10 phút lênh đênh trên tàu, du khách nhanh chóng được cập bến làng bè. Từ đây, phóng tầm nhìn trên con sông Rạng rộng lớn, thật hấp dẫn trước những bè thủy sản dập dìu, nối dài. Khu nhà hàng trên làng bè Long Sơn cũng thật ấn tượng với những lòng cá, tôm, cua… quẩy đuôi tung nước ngay sát chỗ ngồi của du khách. Càng hấp dẫn hơn bởi sau khi gọi món ăn, du khách là người trực tiếp chọn bắt hải sản rồi đưa trực tiếp vào nhà hàng cho đầu bếp chế biến theo sở thích. Ở đây, có đủ món ăn dân dã hoặc đặc sản Nam bộ như: hàu sống ăn mù tạt, hàu né, cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me, cua Long Sơn, lẩu canh chua cá dứa, cá tráp hấp hành… Các thôn nữ đậm chất vùng biển dưới làn da rám nắng, thướt tha trong tà áo bà ba phục vụ chu đáo càng làm cho du khách ngon miệng, cảm thấy gần gũi và thân thiện. Ở đây, không chỉ nổi tiếng với các món ăn ngon, được dập dềnh trên mặt sông lộng gió, du khách còn được hóa thân thành những ngư dân bắt cá ở cửa sông Rạng, đó mới chính là cái thú. Việc bắt cá ở cửa sông này không quá khó, chỉ cần thả xuống nước những chiếc lồng sắt, làm chà dụ cá vào ở và chờ đến lúc nước cạn là dùng ròng rọc quay lồng trở lên bắt cá. Cá nâu, cá ngát, cá chẻm, cá dứa, cá lù đù… thường tụ tập cạnh các nhà bè nuôi cá để ăn những thức ăn thừa, do đó đoạn cửa sông này còn là nơi lý tưởng cho dân ghiền câu cá từ các tỉnh, thành về đây vào các ngày cuối tuần. Nếu thích, du khách còn được nhà hàng đưa đi thưởng ngoạn trên sông, được tận mắt chứng kiến, học tập cách nuôi cá, hàu, tôm, cua từ kinh nghiệm thực tế của những ngư dân lão luyện. Khi ngư dân làm thương hiệu Có thể khẳng định, hiện làng bè Long Sơn là một điểm du lịch hấp dẫn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi mỗi tháng, ở đây thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thư giãn. Tuy nhiên, ít ai biết được làng bè này được một ngư dân nghèo khó, trình độ thấp nhọc công xây dựng. Tuy trong tay đã nắm tiền tỷ, nhưng ông Lý Bửu Hồi - chủ làng bè vẫn dân dã, giữ được nét chất phác của một ngư dân sông nước ngày nào. Ông luôn được nhân viên của mình cảm phục bởi sự hòa đồng, chịu khó và thương người. Du khách chọn mua hải sản tại Long Sơn Nở nụ cười hiền, ồng Hồi kể về việc lập nghiệp của bản thân vốn có nhiều “sóng gió”. Gia đình nhiều đời bám sông, bám biển để mưu sinh. Nhà có 8 người con nên ông cũng chẳng được học nhiều khi chưa hết cấp II. Kể từ ngày đó, ông chính thức trở thành ngư dân, bám sông, bám biển như bao thanh niên trong làng. Ông lênh đênh trên sông Rạng cho đến hết thời trai trẻ. Ông thuộc lòng tên từng con cá, khúc cua, ngã rẽ của con sông từ Vũng Tàu cho đến Cần Giờ. Ông bảo: “Con sông Rạng vốn hiền hòa, ít sóng, nhưng cũng lắm nguy hiểm vào những lúc mưa bão”. Chẳng lẽ cứ lênh đênh như thế cho đến hết đời? Bởi vậy mà ông luôn ấp ủ, chờ cơ hội. Sau những năm tháng phiêu bạt sông nước, cuối cùng ông cũng dành dụm được một số vốn nhỏ, đầu tư làm lồng nuôi cá trên sông. Nhờ cần cù, chí thú làm ăn nên việc kinh doanh khá thuận lợi. Có chút vốn, ông đầu tư một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ trên bè để nghỉ ngơi lúc mưa nắng. Đó cũng là nơi ông dành tiếp khách quý, bạn bè mỗi dịp ra sông. Ngày qua ngày, căn nhà nhỏ ấy lại phải đón tiếp thêm nhiều vị khách xa mà bạn bè giới thiệu. Khi đến đây, họ nhờ ông chế biến những món hải sản tươi sống để cùng lai rai, nhưng nhất quyết trả tiền khi rời bến mặc cho ông chối từ. Từ đây, một ý tưởng lập nhà hàng kinh doanh trên lòng bè bắt đầu xuất hiện. “Tôi vốn chất phác, nghe đến kinh doanh là đứng ngồi không yên. Nhưng nhờ bạn bè, người thân ủng hộ nên tôi quyết làm liều”, ông Hồi tâm sự. Cách đây 5 năm, ông gom hết vốn liếng, vay mượn thêm từ bạn bè đầu tư lập một nhà hàng nhỏ với sức chứa khoảng 200 khách. Tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng. Việc một ngư dân chất phác ít trình độ, ít va chạm ở đời đứng ra làm kinh doanh đã khiến ông lao đao vào những ngày đầu. Nghe ai bảo gì làm đó, món ăn thì thay đổi xoành xoạch nên làng bè ngày càng ế khách. Có lúc, ông tưởng chừng như buông xuôi, nhưng rồi chợt nghĩ: “Mình cứ làm theo cách dân dã như ngày trước, cứ chế biến món ăn theo khẩu vị của bản thân”. Không ngờ, cách làm này đã giúp ông thành công mỹ mãn. Hiện tại, làng bè Long Sơn với diện tích rộng trên 1.000m2, có thể tiếp đón cùng lúc đến 800 du khách, tạo việc làm ổn định cho hàng chục thanh niên nam nữ trong vùng. Và khi ông nhọc công xây dựng thương hiệu của một làng bè, vô tình đã tạo ra việc làm cho hàng trăm người trong vùng phất lên nhờ nghề buôn bán cá. Ở đây vốn nổi tiếng với loại cá khô ngon tuyệt. Món hàu Long Sơn cũng nhờ đó mà được đưa xa khắp các tỉnh, thành…QUANG TÁM
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên