Làng cao su ghi dấu lịch sử

Cập nhật: 06-10-2012 | 00:00:00
Trải qua gần 1 thế kỷ, Lô cao su 50, Làng 14 của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vẫn xanh màu lá mới, dù trên thân cây còn lưu giữ những đường dao của người phu cao su từ thời Pháp thuộc. Những người phu cao su đã đấu tranh chống chế độ quản lý hà khắc, tàn ác của những ông chủ, ông cai... từ thời Pháp thuộc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Với giá trị lịch sử đó, nơi đây đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.Minh chứng lịch sử Trước khi người Pháp khai mở đồn điền cao su, Dầu Tiếng là chốn rừng già ngút ngàn. Với khí hậu nhiệt đới vùng Đông Nam bộ, Dầu Tiếng trở thành vùng đất thuận lợi cho việc phát triển cây cao su. Cũng bắt đầu từ đây, khi thực dân Pháp đầu tư khai thác cây cao su, một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đã diễn ra. Lớp công nhân đầu tiên của đồn điền Dầu Tiếng là những nông dân nghèo được chiêu mộ đến phá rừng, cuốc đất khai hoang. Vào những năm đầu thế kỷ XX, trên mảnh đất rừng núi bạt ngàn phía bắc 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, nhiều nông dân nghèo khó từ đồng bằng châu thổ Bắc bộ, từ mảnh đất miền Trung đầy nắng gió và những cụm dân cư thưa thớt dọc lưu vực sông Sài Gòn đã đến trụ sở hãng Michelin đưa ngón tay quệt mực, điểm chỉ vào thẻ giao kèo và tự nguyện gắn cuộc đời mình với đồn điền cao su.  Khách tham quan khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc Hình thức mộ phu ban đầu là thuê mướn trả tiền công theo đợt. Dần dần số đông dân phu ở hẳn đồn điền thành công nhân chuyên nghiệp. Cùng với việc mở rộng diện tích, hãng Michelin chiêu mộ thêm công nhân. Rừng phá tới đâu, phu công tra phải dọn tới đó. Mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều tối phải đào hố trồng cao su. Đến năm 1930, số công nhân đồn điền lên tới 977 người gồm cả công tra Bắc, Trung và người bản địa nghèo khó phải bán sức lao động cho tư bản thực dân. Năm 1931 trở đi, các lô cao su được mở rộng, số công tra ở đồn điền Dầu Tiếng cũng tăng lên. Tư bản Pháp phân đồn điền thành 22 làng để cai trị. Chính sách cai trị ngày càng tinh vi, lối đánh đập thay bằng cúp phạt, bòn rút sức lao động phu công tra. Giáo dục lòng yêu nước Phần lớn những rừng cao su được trồng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã được trồng mới nhiều lần, duy chỉ có Lô 50, Làng 14 là còn tồn tại. Đây là lô cao su lâu đời nhất của hệ thống cao su thời Pháp thuộc. Dựa trên những giá trị lịch sử, nơi đây đã được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2009. Nhằm tôn tạo di tích lịch sử của làng cao su thời Pháp thuộc và lưu giữ những ngôi nhà được xây dựng dưới thời Pháp thuộc - là nơi sinh sống của phu công tra, tháng 10-2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc tại Lô 50, Làng 14, thuộc xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng. Khu trưng bày gồm 3 phần: nhà trưng bày các di tích và hình ảnh của làng cao su thời Pháp thuộc, nhà phu công tra, nhà cai Pháp.  Những hàng cây cao su còn lại của thời Pháp thuộc Những căn nhà được xây bằng các vật liệu và kiểu dáng gần giống hoàn toàn những ngôi nhà thời đó. Trong và ngoài những ngôi nhà ấy là những cảnh trí tái hiện một phần không gian lịch sử trong cuộc sống sinh hoạt và những dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, những cảnh sắc này còn tái hiện những người là con em của các thế hệ phu tra với thân phận kẻ làm thuê luôn nhớ về cố hương và các thuần phong mỹ tục được gìn giữ từ đời này qua đời khác với tình cảm lá lành đùm lá rách, thờ cúng tổ tiên ông bà và cũng nhắc nhở con cháu mình là người Việt Nam máu đỏ da vàng. Quả là những cảnh trí được tái hiện một cách sinh động và vô cùng ý nghĩa. Công trình xây dựng khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc có tổng vốn đầu tư gần 4,5 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng là 1,65 tỷ đồng, phần mỹ thuật là 2,81 tỷ đồng. Việc xây dựng công trình tuy chỉ phục chế một phần hình ảnh, cảnh trí, nhà cửa, nơi ăn ở, sinh hoạt của người công nhân công tra cao su Dầu Tiếng dưới thời Pháp thuộc, nhưng có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, đặc biệt là thể hiện giá trị của hòa bình - độc lập - tự do của công nhân cao su và nhân dân Dầu Tiếng nói chung. Tin rằng, đây sẽ là địa chỉ quen thuộc của những người yêu lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc, đặc biệt là các thế hệ trẻ hôm nay muốn tìm hiểu các giá trị lịch sử để học tập, noi gương. TRÍ DŨNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=813
Quay lên trên